Thiên nhiên Vườn quốc gia Pù Mát

Đến với vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên, kết hợp với nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc nơi đây. Pù Mát thực sự là một “ưu ái” tạo hóa giành cho miền đất xứ Nghệ.

Nằm trên dải đất miền Trung, Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch. Diện tích rộng lớn, tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật rừng, thực vật rừng mới được khám phá trong thời gian gần đây. Pù Mát có 2.500 loài thực vật thuộc 150 họ và gần 1.000 loài động vật… Nhiều địa điểm tại đây chưa có nhiều sự tác động của bàn tay con người: thác Kèm, suối nước Mọc, sông Giăng, rừng săng lẻ…Tại Pù Mát, nhiều dân tộc chung sống đan xen, tạo nên nét văn hóa độc đáo: Kinh, Thái, Đan Lai… Nét hoang sơ là món quà của thiên nhiên ban tặng cho Pù Mát.

Nét đặc trưng độc đáo

Với giới khoa học, Pù Mát không xa lạ. Tại đây, sao la (Pseudoryx nghetinhensis) – loài thú quý hiếm đã được phát hiện. Tuy nhiên, Pù Mát vẫn chưa được khám phá hết ở khía cạnh du lịch. Với diện tích vùng lõi 91.113ha, vùng đệm hơn 80.000ha, trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn (Nghệ An), Pù Mát là nơi ở lâu đời của người Thái. (dân cư vùng đệm lên đến 50. 000 người, trong đó người Thái chiếm 60%). Bởi vậy, đến Pù Mát, ta sẽ bắt gặp nét hoang sơ hùng vĩ của núi rừng Pù Mát pha lẫn với nét văn hoá độc đáo, tinh tế của người Thái.

Người Thái bằng nghề trồng lúa  nước, ở hầu hết các thôn bản, trong các nhà sàn bằng gỗ. Ở những vùng đồi, trồng cây, trồng màu hoặc các loại cây lương thực khác; nuôi trâu, bò và gia cầm; làm sản phẩm tre và dệt vải truyền thống. Vải thổ cẩm của người Thái nổi tiếng về tính độc đáo, màu sắc sặc sỡ và bền đẹp. Giữ truyền thống lâu đời, người Thái sinh sống tập trung theo dòng họ, mỗi cộng đồng dân cư có tín ngưỡng và tập tục riêng, có những lễ hội gắn liền với các mùa bội thu và sản xuất nông nghiệp. Nhảy sạp, uống rượu cần là đặc trưng không thể trộn lẫn trong sinh hoạt thường ngày của người Thái.

Chiếm số ít là dân tộc Kinh (chủ yếu sống ở thị trấn Con Cuông) và dân tộc Đan Lai. Người Đan Lai sống tập trung tại 3 bản: Cò Phạt, Bản Cồn và Bản Búng thuộc xã Môn Sơn nằm ở phía Đông Nam của VQG. Họ sống và canh tác ở những nơi đất dốc, sinh sống nhờ săn bắn và hái lượm.

Những món quà vô giá của thiên nhiên

Theo tiếng Thái, Pù Mát có nghĩa là những con dốc cao. Chính độ cao của Pù Mát đã khẳng định điều đó. Độ cao biến động của rừng Pù Mát là từ 200 – 1.814m, trong đó đỉnh Pù Mát cao nhất: 1.814m. Hiếm có du khách nào chinh phục được đỉnh núi này dù trước đó có thể họ đã đứng dang tay trên đỉnh Phan xi păng. Pù Mát đẹp ở cái hùng vĩ của rừng xanh, ở vẻ nguyên sinh không chút đụng chạm của bàn tay con người. Điểm nổi bật của Pù Mát chính là khu rừng săng lẻ cách khu hành chính của vườn khoảng 40km, rộng khoảng 100ha. Đây là khu rừng cổ thụ, thuần loài, cao khoảng 50m và toả bóng mát quanh năm, thuộc xã Tam Đình, huyện Tương Dương. Thiên nhiên ở đây thật kỳ diệu với những tán lá xanh còn đọng những giọt sương vào mỗi buổi sáng, tiếng chim hót chuyền cành khi bình minh lên.

Thưởng thức sự thư giãn vào buổi sáng, du khách có thể hoà mình vào thiên nhiên dịu mát của thác Khe Kèm (hay còn gọi là thác Kèm) trong cái nắng nóng oi bức đặc trưng của miền Trung. Cách thị trấn Con Cuông khoảng 20km về phía Nam, thác Kèm hùng vỹ ở độ cao 150m. Rất nhiều nhà khoa học khi nghiên cứu tại đây đã khẳng định thác Kèm là thác nước gần như nguyên sinh nhất ở Việt Nam. Con đường vào thác quanh co, uốn lượn và gập ghềnh. Có thể điều đó sẽ làm du khách nản lòng nhưng với những ai vượt qua được chặng đường không ngắn chút nào để được tận mắt chiêm ngưỡng một tạo vật thiên nhiên dành cho Pù Mát hẳn người đó sẽ không cảm thấy tiếc nuối. Người Thái gọi là thác Kèm là Bổ Bố, có nghĩa là dải lụa trắng. Từ chân thác nhìn lên, bạn sẽ có cảm giác dòng suối tuôn chảy bất tận trong những dải bọt trắng xoá, chẳng khác một dải lụa trắng buông dài bất tận. Hoà trong màu trắng kỳ ảo đó là dòng suối trong vắt, mát rượi cùng tiếng ca của muôn loài chim.

Trên đường vào thác Kèm, ấn tượng đọng lại trong du khách về vẻ đẹp của Pù Mát là tiếng nước chảy ở đập Phà Lài (hoa của trời), ở màu đỏ như phượng vĩ trên những tán cây hai bờ sông Giăng (cách khu hành chính của VQG khoảng 20km). Một điều kỳ lạ gần như hiếm có ở Pù Mát là trên những chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng trên sông Giăng, du khách như được trở về với thiên nhiên đích thực, nơi con người chỉ là một phần nhỏ bé của thiên nhiên. Hai bên bờ cây cối rậm rạp, đậm vẻ hoang sơ với điểm nhấn là dãy núi đá vôi hùng vĩ, điểm xuyết những màu sắc sặc sỡ của các loài hoa: tuế, phong lan. Làn nước trong xanh. Nếu du khách mang theo một vài loại quả, hẳn sẽ được gặp được con cháu lão Tôn không chút sợ sệt ra “nhận quà”. Chúng sẽ đu mình trên trên những cành cây làm nên cảnh tượng như Hoa quả sơn.

Từ ngã ba cầu Khe Diêm trên quốc lộ 7, đi dọc theo đường vào vùng Môn Sơn, Lục Dạ của huyện Con Cuông khoảng 3km, du khách sẽ gặp suối Mọc. Khác với những dòng suối khác, dòng nước ở đây cứ như đội lên từ lòng đất, trong veo ùn chảy làm tan biến cái nóng thiêu đốt của mùa hè. Về mùa thu, dòng suối có vẻ mát dịu hơn cùng với khí trời. Ngược lại, mùa đông, thiên nhiên ở đây lại ban tặng cho dòng suối một điều kỳ diệu: dòng nước ấm áp vô cùng trong những ngày lạnh giá. Suối Mọc còn một tên gọi khác là Rốn cô Tiên. Truyền thuyết do người dân trong vùng kể lại: thuở xưa, một nàng tiên đi du ngoạn qua thấy suối nước rất đẹp liền dừng lại ngắm cảnh và xuống tắm. Từ đó, suối nước Mọc còn có tên gọi khác là Rốn cô Tiên. Người dân ở đây cho biết suối nước Mọc có từ lúc nào chẳng ai biết vì khi sinh ra thì nó đã có sẵn rồi. Suối Mọc là nơi trẻ con ra tắm táp nô đùa trong những ngày hè cũng là nơi vui chơi của dân bản trong những khi oi bức. Nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu để xác định suối nước Mọc (tiếng Thái Là Tà Bó: nhánh, dòng chảy nhỏ) có phải là một nhánh chảy ra từ thác Kèm hay không.

Cần được đầu tư thích đáng

Thiên nhiên đã khá là ưu đãi Pù Mát với một diện tích rộng lớn và khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Người yêu thiên nhiên có thể đến với Pù Mát bất cứ lúc nào: đông, hè, xuân, thu. Thời tiết quanh năm ở đây vào khoảng từ 20 đến 22oC. Trong năm 2005, VQG Pù Mát đã đón gần 10.000 du khách tới tham quan. Sóng điện thoại di động của Vinaphone, Mobiphone và Viettel đã hiện diện ở khu vực hành chính của vườn. Với khoảng cách 90 km từ thành phố Vinh xuống Con Cuông, khi đến VQG Pù Mát, du khách sẽ có cảm giác lạc vào thế giới khác với thiên nhiên tươi đẹp.
Dù mới được chuyển hạng từ Khu BTTN thành VQG từ năm 2001 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Pù Mát đã dần khẳng định được vị thế của mình trong con mắt của các nhà quản lý du lịch. Thiên nhiên ở đây với những cảnh đẹp hoang sơ vẫn chưa được khám phá hết. Nếu được đầu tư đúng mức, VQG Pù Mát sẽ là trung tâm du lịch của Nghệ An nói riêng và đất nước nói chung. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Diễn, Phó Giám đốc VQG cho biết: hiện bộ máy của vườn được tổ chức với 4 phòng: Tài chính – kế hoạch, Tổ chức – Hành chính – quản trị, Khoa học & Hợp tác quốc tế, Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường và 1 Hạt Kiểm lâm. Trong tương lai, rất cần sự đầu tư để thành lập Trung tâm Khoa học và Du lịch của vườn từ 2 phòng chức năng (Khoa học & Hợp tác quốc tế, Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường). Đây là đơn vị có thu, tự hoạt động với vai trò tìm nguồn đầu tư và phát triển các hoạt động khoa học và du lịch, những thế mạnh sẵn có của vườn đồng thời cải tạo, tu bổ cơ sở hạ tầng phục vụ (với 23 phòng khách chỉ có thể phục vụ được 50 người). Hiện nay với vị trí của những phòng chức năng nằm trong bộ máy hành chính, khoa học và du lịch chưa được phát huy hết tiềm năng. Phí vào tham quan vườn mới chỉ là 1.500-2.000đ/ du khách và nếu du khách muốn đi tham quan trên sông Giăng thì phải sử dụng thuyền của người dân địa phương.

Mong rằng các cấp có trách nhiệm sẽ nghiên cứu và tìm ra những hướng đi thích hợp để phát triển tiềm năng du lịch sinh thái ở VQG rộng nhất miền Bắc này.