Bảo tồn và phát triển mái nhà xanh đại dương

ThienNhien.Net – Với sự giàu có của tài nguyên đa dạng sinh học và những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, Cù Lao Chàm có tiềm năng trở thành thiên đường du lịch của phố cổ Hội An trong tương lai. Bằng lối suy nghĩ giản dị, trách nhiệm đến cùng với môi trường sống, chính quyền và người dân Cù Lao Chàm đã cùng nhau nỗ lực “tiêu diệt” túi nilon, bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

“Viên ngọc xanh” đa dạng sinh học

Cù Lao Chàm thuộc xã Tân Hiệp (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) gồm 8 đảo nhỏ: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Nơi đây còn được biết đến với các tên gọi khác là Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La, Pa-lau-cham, diện tích khoảng 15 km2 với gần 3.000 dân sống gần như biệt lập với đất liền.

Thiên nhiên đã ưu ái cho Cù Lao Chàm có khí hậu quanh năm mát mẻ, cây cối 4 mùa phủ xanh trên các hòn đảo. Với 1.549 héc-ta rừng tự nhiên và 6.716 héc-ta mặt nước, Cù Lao Chàm mang trong mình một sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Khu bảo tồn Cù Lao Chàm là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá, sinh vật nhuyễn thể, các rạn san hô, các thảm rong, cỏ biển và các loài hải sản có giá trị cao. Không chỉ thế, nơi đây còn có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Theo thống kê của Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, hiện Cù Lao Chàm có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái, trong đó có 2 loài được ghi vào sách đỏ động vật Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài.

Giữ gìn hệ sinh thái của đảo là tiêu chí hàng đầu của chính quyền và người dân. (Ảnh: Xuân Lam)
Giữ gìn hệ sinh thái của đảo là tiêu chí hàng đầu của chính quyền và người dân. (Ảnh: Xuân Lam)

Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm còn chứa trong mình các hệ văn hóa từ xa xưa để lại như: Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt, cùng với các di tích đã chứng minh mối quan hệ giao lưu giữa Cù Lao Chàm với các nước trong khu vực và là điểm neo đậu của các thương thuyền quốc tế trong hành trình con đường tơ lụa trên biển. Qua các nghiên cứu khảo cổ học cho thấy cách đây trên 3000 năm, nơi đây còn là nơi sinh sống của các cư dân cổ xưa. Đây thật sự là một địa điểm lý tưởng để khám phá. Bên cạnh các di tích khảo cổ là sự tồn tại khá đầy đủ thiết chế văn hóa tín ngưỡng truyền thống của làng xã miền Trung nước ta. Các di tích tín ngưỡng hiện còn ở Cù lao Chàm, được xây dựng chủ yếu vào khoảng thế kỷ 17 – 18 như đình Đại Càn, miếu thờ Thành hoàng, miếu Tiền Hiền, miếu Thần Nông, miếu Tổ nghề yến, lăng Ông Ngư, lăng Cô, giếng Xóm Cấm, chùa Hải Tạng… là những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.

Một hành trình tái sinh san hô rất kỳ công đã được chính quyền và người dân Cù Lao Chàm miệt mài theo đuổi. Dưới sự hướng dẫn của “chuyên gia san hô” Võ Sĩ Tuấn, Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang, người từng được Thái Lan mời sang tư vấn phục hồi rạn san hô cho nước bạn, nhóm “hiệp sĩ san hô Cù Lao Chàm” đã lặn sâu xuống lòng biển dọn sạch rác thải vương vãi sau một số công trình xây dựng, tỉ mỉ đóng giàn, cấy hàng trăm vạt san hô các loại. Những vạt san hô đó nay đã phát triển thành những vườn hoa muôn màu cho du khách lặn biển trầm trồ. Còn ngay bến đón khách Cù Lao Chàm, nơi trước kia mặt nước vẩn đầy váng xăng dầu, rác rưởi, bây giờ du khách cũng đã có thể đứng trên cầu cảng nhìn xuyên qua làn nước trong xanh để thấy những đóa san hô non ngời óng ánh.

Giữ mái nhà xanh

Mỗi người dân Cù Lao Chàm bất kể già trẻ lớn bé đều là đại sứ du lịch với nụ cười đôn hậu. Ai cũng có thể kể vanh vách cho du khách nghe vì sao san hô đã tái sinh, nở hoa ngay dưới chân cầu cảng và nhiều rạn đá quanh đảo, thu hút cá tôm từ khơi xa lũ lượt kéo về; vì sao mỗi tấc đất ngoài biển Đông ở xã đảo tiền tiêu này đều là tài nguyên vô giá. Cụm đảo với gần 3.000 dân có rất nhiều cái “ không”: Không bê tông hóa, không van xin chặt chém, không tệ nạn “cầm nhầm”, không bao ni lông, không tận diệt thú rừng dù 90% diện tích là rừng cấm quốc gia…

Ở Cù Lao Chàm những năm gần đây không còn bóng dáng của rác thải hay túi nilon nữa. Từ giữa năm 2009, người dân nơi đây đã thực hiện nghiêm túc chỉ thị của TP. Hội An về việc không sử dụng túi nilon trên đảo, cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhiều chiến dịch cung cấp giỏ đi chợ cho các hộ gia đình trên đảo và vận động bà con dùng các loại lá gói thực phẩm. Người dân Cù Lao Chàm đồng lòng tẩy chay những chất gây hại không chỉ cho môi trường, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới các thế hệ con cháu của họ sau này. Thậm chí ở chợ còn có tấm bảng với khẩu hiệu “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ” và hình minh họa nói “Không” với túi nilon. Bà con dân đảo được thành phố và một số doanh nghiệp hỗ trợ trong việc tăng cường sử dụng túi giấy, nên ngày nào cũng có cán bộ tới phát túi miễn phí. Du khách cũng không mang túi nilon ra đảo và được khuyến khích dùng túi giấy.

Việc bảo tồn và giữ gìn vệ sinh và cảnh quan môi trường tại Cù Lao Chàm chính là một thông điệp hữu ích nhất cho những đối tác, khách du lịch đến đây hiểu rằng mọi động tác, mọi xử sự, cũng như việc khai thác đều phải tôn trọng, giữ gìn cảnh quan môi trường một cách toàn vẹn nhất. Để phát huy hơn nữa những giá trị của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, mỗi người dân nơi đây đều hiểu rõ cần phải gắn chặt việc phát triển với bảo tồn để giữ gìn Cù Lao Chàm cho con cháu mai sau.