“Phải đi đến cùng vụ Formosa”

ThienNhien.Net – Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) về việc xem xét kỷ luật nhiều cán bộ liên quan đến vụ Formosa Hà Tĩnh đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban chấp hành Trung ương về xử lý những vụ việc lớn đã xảy ra là phải đi đến cùng, phải quy trách nhiệm chứ không phải chỉ nêu lên rồi không thực hiện.

Đáp ứng mong đợi của nhân dân

Mới đây, UBKTTƯ đã ra thông báo về Kỳ họp thứ 11, trong đó kết luận xem xét kỷ luật nhiều cán bộ liên quan sự cố Formosa Hà Tĩnh. Kết luận nêu rõ, những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.


Ngư dân xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) cùng lực lượng biên phòng thu gom, chôn lấp cá chết dạt vào bờ do sự cố môi trường biển Formosa (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Hiền, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) hoàn toàn đồng tình với kết luận này và cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các cán bộ đã được nêu tên, công bố công khai kết quả để toàn dân được biết.

“Hậu quả từ sự thiếu trách nhiệm của các vị nguyên lãnh đạo và một số cán bộ Bộ Tài nguyên Môi trường, tỉnh Hà Tĩnh là hết sức nghiêm trọng. Chúng tôi đã chờ đợi kết luận của UBKTTƯ từ lâu rồi. Công việc tiếp theo là phải xử lý nghiêm minh, khách quan, đúng người, đúng tội với các trường hợp vi phạm mà kết luận đã nêu. Hình thức kỷ luật cụ thể như thế nào cũng cần công khai để cán bộ, đảng viên và nhân dân được biết”, ông Nguyễn Văn Hiền nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm Kết luận của UBKTTƯ đã đáp ứng được sự mong chờ, đòi hỏi của người dân, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội nhấn mạnh, kết luận này đã thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong kỷ luật của Đảng, thể hiện tinh thần nói đi đôi với làm, thể hiện sự quán triệt các Nghị quyết của Đảng đã ban hành, đặc biệt là Nghị quyết TƯ 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), với việc công bố cá nhân sai phạm cụ thể đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc xử lý những vụ việc đã xảy ra, phải làm đến nơi đến chốn và làm một cách bài bản, vững chắc, không cảm tính. Từ đó, củng cố niềm tin của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng.

Sự cố môi trường do Formosa xảy ra từ tháng 4/2016 nhưng đến nay UBKTTƯ mới đưa ra kết luận đã thể hiện tinh thần thận trọng của Trung ương. Bởi việc này phải xem xét cẩn thận chứ không phải kết luận một cách vội vàng được. Tất cả những sai phạm về mặt quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh ở giai đoạn trước liên quan đến sự cố môi trường do Formosa gây ra cần được xem xét từng bước.

“Sai phạm đó cần hình thức kỷ luật thế nào trước hết phải từ hình thức kỷ luật Đảng. Tiếp sau đó mới xem xét hình thức kỷ luật từ phía Nhà nước (xử lý hành chính), nếu sai phạm có dấu hiệu hình sự thì phải xử lý theo pháp luật”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, từ vụ Formosa, các cơ quan quản lý cần rút ra bài học sâu sắc về xử lý mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường để quán triệt cho mọi cấp, mọi ngành. Đó là cần tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực môi trường. Hiện nay, mặc dù hệ thống luật đã khá đầy đủ nhưng sự cố về môi trường vẫn xảy ra cho thấy có những sơ hở trong công tác quản lý. Vì thế cần giữ nghiêm hệ thống pháp luật và  tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng lớn, phức tạp và sự bùng phát các sự cố gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, sự cố Formosa cũng cho thấy vấn đề quy trách nhiệm khi để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường vẫn còn tình trạng “cha chung không ai khóc”. “Vì thế, việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng cần được coi trọng. Người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để xảy ra một vụ việc trong ngành, đơn vị mình quản lý gây dư luận không tốt cho người dân và xã hội”, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.