Bố trí tối thiểu 3% tổng chi ngân sách để bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Không để phát sinh mới và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiêu hủy, xử lý trên 85% chất thải nguy hại, tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt… là những mục tiêu được đặt ra trong Đề án “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường“.

Đề án do Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét tại Hội nghị Trung ương 7, đang diễn ra từ ngày 2 – 11/5 ở Hà Nội.

Theo tờ trình Đề án, Việt Nam là đất nước có địa hình bị chia cắt, bờ biển dài, các đồng bằng ven biển địa hình thấp, nằm trong vùng ảnh hưởng của bão từ Thái Bình Dương nên dễ bị tổn thương. Nước biển dâng, sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức… làm cho triều cường ngập lụt diễn ra mạnh, nhanh hơn so với dự báo, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Đặc biệt, tình trạng thiên tai như bão, lũ, hạn hán đang diễn ra bất thường, cực đoan và khó dự báo. Tài nguyên ngày càng cạn kiệt; sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả; nhiều nơi thiếu nước gay gắt vào mùa khô, nhất là vùng Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên…

Do đó, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường Chính phủ đề xuất mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững; kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường…

Lò gạch gây ô nhiễm ở Khánh Hòa (Ảnh: khanhhoa.gov.vn)
Lò gạch gây ô nhiễm ở Khánh Hòa (Ảnh: khanhhoa.gov.vn)

Tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 5,6% 

Cụ thể, về ứng phó với biến đổi khí hậu, phấn đấu đến năm 2020 sẽ giảm mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP từ 8-10% so với năm 2010. Bên cạnh đó chủ động phòng, chống, hạn chế tác động xấu của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng. Trước mắt cần tập trung chống ngập do triều cường tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Về quản lý tài nguyên, tờ trình Đề án nêu mục tiêu đến 2020 sẽ bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ 3,8 triệu ha đất chuyên trồng lúa. Đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nước tính trên 1 đơn vị GDP. Cũng như khai thác hiệu quả và bền vững sinh thái, cảnh quan, tài nguyên sinh vật…

Đặt biệt, Chính phủ xác định phải chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới lên trên 5,6% tổng năng lượng thương mại sơ cấp; giảm tiêu hao năng lượng tính trên 1 đơn vị GDP.

90% dân cư nông thôn được dùng nước sạch 

Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2012, cuối thế kỷ 21 nhiệt độ có thể tăng từ 2,5 – 3,7 độ C, nước biển dâng khoảng 1m, theo đó khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh bị ngập trong nước.Tuy nhiên, trên thực tế biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng diễn ra nhanh hơn so với dự báo.

Về bảo vệ môi trường, Chính phủ phấn đấu đến năm 2020 không để phát sinh mới và xử lý triệt để các sơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiêu hủy, xử lý trên 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt.

Đồng thời, phấn đấu 95% dân cư thành thị và 90% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh vào năm 2020; 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy và sông Đồng Nai được xử lý; nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư.

Ngoài ra, tờ trình còn đặt mục tiêu chấm dứt khai thác rừng tự nhiên, nâng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên lên trên 3 triệu ha; nâng độ che phủ rừng lên trên 45% vào năm 2020…

Hàng năm bố trí tối thiểu 3% tổng chi ngân sách bảo vệ môi trường 

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Chính phủ xác định cần thực hiện một loạt các giải pháp chủ yếu. Trước hết cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường…

Đồng thời, Chính phủ đề xuất vận dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý, khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường; người hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải trả tiền để tạo nguồn thu từ tài nguyên, môi trường trực tiếp đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và các bon thấp; thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Có lộ trình bỏ trợ giá đối với nhiên liệu hóa thạch trước năm 2020. Từ năm 2016 thực hiện trợ giá trong 10 năm đầu đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tái chế chất thải, sản xuất điện từ chất thải; hàng năm bố trí không dưới 3% tổng chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.