Kỳ cuối: Luyện cao hổ cốt

Qua lớp vỏ một đại gia mua cọp, phóng viên đã tiếp cận ông già nấu cao hổ cốt gia truyền đã ba đời và được truyền dạy những bí thuật luyện cao. Nhưng bí mật quan trọng nhất của việc săn cọp là khoản siêu lợi nhuận, một con cọp 100 ký được nấu cao sẽ lãi trên hai tỷ đồng.

Long, đầu mối cung cấp cọp dẫn tôi vào con đường ngoằn ngoèo với nhiều ngã rẽ nằm giữa những vườn cây đến nhà ông Tám già, người chuyên nấu cao hổ cốt ở một xóm nhỏ thuộc xã Truông Mít (Dương Minh Châu, Tây Ninh).

Nhà ông Tám nằm sâu trong vườn. Con chó Phú Quốc sửng dãy lông xoắn trên sống lưng, nhe nanh, xoạc chân chặn cửa. Từ nhà sau, ông Tám bước ra. Tôi khen cửa căn nhà mở về phía Thanh Long rất hợp. Ông Tám nhìn tôi vẻ thiện cảm, hỏi: “Chú mày cũng biết phong thủy”. Ông Tám đặt chai rượu lên bàn, nước trong chai ngầu đục, những tăm rượu còn lơ lửng.
Ông Tám nói ông đang coi kháp rượu (nấu rượu – PV), rượu nếp đó. Nhờ chai rượu và vốn kiến thức phong thủy không đầy lá mít, tôi nhanh chóng kết thân với ông.

Bí mật lò luyện cao

Tôi kiếm chuyện ra gian nhà sau của ông Tám, chỉ thấy lò nấu rượu mà không thấy lò luyện cao hổ cốt đâu cả. Thì ra đó là một căn nhà hai gian, phía sau vách nhà đặt lò rượu còn một gian nhà nữa, một kiểu thiết kế thường thấy để nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật thời chiến tranh.

Khi rượu đã ngà ngà, nghe ông Tám mời ở lại chờ lấy ra nước đầu nồi cao hổ cốt đang nấu, mà ông Tám gọi là ra ràng, tôi mừng còn hơn bắt được vàng.

Tôi lẹ miệng nói: Chừng nào ông Tám ra ràng cho cháu coi với.. Ông Tám khẽ gật đầu mà không trả lời. Phía trước vách buồng là bàn thờ ông bà, tấm bài vị ghi chữ Cửu quyền.

Tôi xin phép ông Tám đốt nén nhang. Đứng trước bàn thờ cửu quyền, tôi giật mình nhận ra bên cạnh còn có một bàn thờ thấp hơn thờ một ông cọp vểnh đuôi, xoạc chân. Tôi cúng xong, ông Tám cũng đốt hai nén nhang, đứng trước bàn thờ chúa sơn lâm khấn vái một lúc rất lâu.

Trong gian nhà sau, tấm vải cao su treo từ mái nhà xuống tận đất như là để chống dột được vén lên, lộ ra một cánh cửa nhỏ đan bằng trúc. Phía trong là một căn phòng rộng không quá 1m. Lò luyện cao hổ cốt hiện ra. Đó là một chiếc nồi inox đặt trên bếp được đào âm xuống đất, phía trước lò có lỗ đưa củi vào phía sau lò có ống thông hơi ra ngoài.

Từ ngoài nhà nhìn vào thấy ống khói lò luyện cao ai cũng nghĩ là ống khói của lò nấu rượu. Long giải thích: “Đây là kiểu bếp Hoàng Cầm của du kích Củ Chi thời đánh Mỹ”.

Ông Tám mở nắp nồi luyện cao, nước sôi sùng sục hé lộ những mảnh xương nhô xếp quanh đáy nồi thành hình vành khăn. Ông Tám giải thích: “Xương hổ xếp vòng tròn, chừa lỗ ở giữa đáy nồi để khi mút nước ra ràng không động vào xương”.
Nước từ nồi nấu cao được múc ra hai phần ba, sau đó lại đổ thêm nước mưa vào nồi. Trước khi rời khỏi lò luyện cao, ông Tám múc một chén nước cốt hổ ra ràng đem pha vào chai rượu.

Công nghệ luyện cao hổ cốt

Qua tìm hiểu, tôi biết có nơi nấu cao hổ cốt nguyên con, kể cả da. Theo ông Tám già, công thức luyện cao gia truyền của ông trải đã ba đời. Ông nói nấu cao là nấu thuốc, không giấu làm gì.

Cao hổ cốt không nấu toàn tính (nguyên con – PV). Ông giải thích, thịt hổ có mùi hôi, nấu toàn tính ngâm rượu sẽ không thơm. Trước hết, xương hổ phải chẻ ra, rửa sạch tủy.

Xưa người ta chọn một đoạn suối trong, có đá cuội để rửa xương. Sau đó, xương hổ được sấy thật khô, ngâm hai đêm trong nước nóng với lá trầu, gừng nướng đập dập.

Theo công thức của ông Tám, cao được nấu từ sáu phần xương hổ, bốn phần còn lại là xương đầu sơn dương hoặc xương khỉ, gạc nai già (chà nai) hoặc yếm rùa để làm chất kết dính.

Ngoài ra còn có đại hồi làm bán mùi cọp và củ thục địa để điều hòa. Ông Tám nói xương hổ hành hỏa, thục địa hành thủy, gặp nhau để điều hòa, uống vào không đầu thống (làm nóng, nặng thì nhức đầu – PV).

Tất cả đều được cho vào nồi, xếp xương hổ quanh đáy nồi thành hình vành khăn, sau đó đổ vào một lượng nước bằng với khối lượng xương hổ và nấu.

Nước đầu phải nấu đủ hai ngày rưỡi thì múc ra hai phần ba nước ra ràng. Nồi cao hổ này đã nổi lửa đúng 12h hai đêm trước. Ông Tám nới mở lò vào giữa giờ giao canh ít ai quở trách.

Thì ra là ông Tám rất tin có điều gì đó vô hình. Nước thứ hai nấu hai ngày hai đêm thì ra ràng, nấu tiếp nước thứ ba. Sau đó cả ba phần nước hòa chung lại, nấu thêm một ngày rưỡi. Như vậy, để nấu một bộ xương cọp thành cao phải mất bảy ngày bảy đêm.

Mỗi lò cao ông Tám được trả công năm triệu đồng và một lạng cao (100g) hổ cốt vụn. Nói đến đây, chợt mắt ông Tám
Ông mang ra cho tôi xem chiếc khuôn đổ cao bằng inox, chia thành nhiều ô vuông, mỗi ô dài khoảng sáu phân, rộng khoảng bốn phân. Mỗi ô đổ đúng một lạng cao.

Ông bảo: “Khuôn này là của tay sáng chế, mỗi lần đổ được 4,2 kg cao. Mỗi lò cao ngoài thù lao bằng tiền và hiện vật, ông Tám còn được hưởng lộc vài chén nước ra ràng pha với rượu và nước váng (bọt – PV) của lò luyện cao.Một ký xương có thể nấu được hơn 1,4 kg cao hổ cốt. Ông lại nói: “Đó là hồi trước, chứ bây giờ còn hơn, một ra một năm, một sáu”.

… đến cao hổ… lốn

Ông Tám cho biết hồi trước nấu cao chỉ lấy nước ra ràng, không lấy xương. Miếng cao hổ cốt đen tuyền ngâm vào rượu trong như mắt cọp – ửng đỏ màu hổ phách, uống vô nghe tan ngay trong miệng, thơm lừng.

Bây giờ thì khác, chủ cọp yêu cầu nghiền cả xương hổ vào cao. Chủ yêu cầu thì phải theo chứ làm vậy không bổ béo gì mà còn có hại, không khéo sạn thận.

Gần ba năm qua, ông nấu hơn 20 lò cao nhưng chỉ có tám bộ xương hổ thiệt ông Tám nói như khoe: “Nấu cao hổ thiệt sướng tay lắm, cứ sợ lửa không đều hổ trách. Còn nấu cao hổ giả nghe mùi đã chán, cứ muốn nhồi lửa cho xong”.
Cao hổ giả là những bộ xương cọp bị thiếu, phải thêm mắm, dặm muối theo yêu cầu của chủ bộ xương, thậm chí đó còn là những bộ xương trâu, bò.

Ông Tám kể một lần ông nhận nấu một bộ xương lạ lắm. Bộ xương không có đầu, chủ đã chẻ nhỏ, sấy khô nặng gần 100 kg nên nhìn không biết, phải nấu sáu lò. Chủ bộ xương yêu cầu ông nấu như nấu cao hổ. Sau này ông mới biết đó là bộ xương tê giác.

Không chỉ vì cho rằng dùng cao hổ cốt sẽ mạnh như cọp khiến nhiều người đã săn cọp, mà còn vì đây là một mặt hàng siêu lợi nhuận.

Một ông cọp nặng 100 kg giá khoảng 300 triệu đồng (ba triệu đồng/kg – PV), có thể lấy được 17 kg xương tươi, sau khi sấy khô còn lại khoảng 10 kg. Qua tay ông Tám có thể thành 16 kg cao hổ cốt. Giá thị trường một lạng cao hổ vào khoảng 1.000 USD. Tính bình quân một con cọp 100 kg sau nấu cao có thể bán được 2,4 tỷ đồng. Thật là siêu lợi nhuận. Cũng chính vì vậy nhiều người đã vượt rừng đại ngàn săn cọp, vượt biên giới để vận chuyển cọp mà không màng nguy hiểm.