Nghị định thư Kyoto có hiệu lực vào ngày 16/2/2005

Nghị định thư Kyoto được 159 quốc gia ký năm 1997 tại Kyôtô (Nhật Bản) với mục tiêu giảm lượng khí thải điôxít cácbon (CO2) và các chất khí gây hiệu ứng nhà kính, làm khí hậu Trái Đất nóng lên và được Nga ký ngày 11/3/1999. Nghị định thư quy định, trong giai đoạn đầu có hiệu lực, từ năm 2008 đến năm 2012, Nga cũng như các nước công nghiệp phát triển phải cắt giảm lượng khí thải CO2 xuống mức 5,2% như năm 1990 bằng việc giảm sử dụng than, dầu và khí thiên nhiên, chuyển sang sử dụng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và sức gió.
Thời kỳ sau năm 2012, mọi trách nhiệm giữa các nước sẽ được quy định trong quá trình đàm phán được bắt đầu vào năm 2005. Tuy nhiên, để có hiệu lực, Nghị định thư Kyoto cần phải được tối thiểu 55 nước chịu trách nhiệm về 55% lượng khí thải toàn cầu, chủ yếu là các nước công nghiệp phát triển, phê chuẩn nhưng cho đến thời điểm ngày 30/9/2004 khi chính phủ Nga thông qua dự luật ”Phê chuẩn Nghị định thư Kyoto trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về thay đổi khí hậu”, các nước đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto mới chỉ chịu trách nhiệm 44,2% lượng khí thải toàn cầu.
 
Vào hôm 18/11, đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Andrei Denisov đã chính thức trao bản phê chuẩn Nghị định thư Kyoto của Nga cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan tại một cuộc họp đặc biệt của 15 thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ) tại Nairobi, Kenya.
Trước đó, vào ngày 5/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật liên bang “Về phê chuẩn Nghị định thư Kyoto bổ sung cho Công ước khung của Liên hợp quốc về sự biến đổi khí hậu trái đất”. Việc Nga phê chuẩn văn kiện này có ý nghĩa quan trọng vì nó làm cho Nghị định thư Kyoto có hiệu lực. Trước đó, dù đã có 124 nước phê chuẩn, nhưng tổng lượng khí thải của các nước này mới chỉ chiếm 44,2% lượng khí thải của toàn thế giới, trong khi để văn kiện có hiệu lực, lượng khí thải của các nước phê chuẩn phải chiếm ít nhất 55% lượng khí thải của thế giới.
Ông Kofi Annan, Tổng thư ký LHQ, nhận định: Điều này đã chấm dứt một thời kỳ tranh cãi dài. Hiện chỉ bốn nước công nghiệp không phê chuẩn Nghị định thư này là Mỹ, Ôxtrâylia, Liechtenstein và Monaco, trong đó hai nước Mỹ và Ôxtrâylia chiếm hơn 1/3 tổng lượng khí nhà kính ở nước nước phát triển.
Năm 2001, sau khi Mỹ, quốc gia chiếm 1/4 lượng khí thải cácbon trên thế giới, từ chối tham gia, số phận của nghị định thư Kyoto phụ thuộc gần như hoàn toàn vào quyết định của Nga, nước chiếm 17% lượng khí thải toàn cầu.
Mỹ đã ký hiệp định khung năm 1997. Tuy nhiên, ngay sau khi đắc cử tổng thống Mỹ năm 2001, ông Bush thông báo Mỹ sẽ không phê chuẩn hiệp định thư do chi phí từ những cam kết nghị định thư quá cao đối với nước này vốn phụ thuộc vào dầu, khí gas và than đá những chất thường thải ra CO2 gây hiệu ứng nhà kính làm nóng lên toàn cầu.
Ông Bush cho rằng Nghị định thư Kyoto là không công bằng do chỉ những nước phát triển (trừ những nước đang phát triển nhanh như Ấn Độ và Trung Quốc là những nước gây mức độ ô nhiễm cao) phải giảm lượng khí thải. Những nước đang phát triển được hỗ trợ tài chính để giảm ô nhiễm và giải quyết những hậu quả của thay đổi khí hậu. Ngoài ra, Mỹ không đồng ý với nhận định của Nghị định thư Kyoto coi nước này là nước gây ô nhiễm lớn nhất. Trong khi đó, các nước đang phát triển như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia cũng ủng hộ Nghị định thư Kyoto song không đặt ra mục tiêu giảm lượng khí thải.
Theo bà Joke Waller Hunter (Tổng Thư ký Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu-UNFCCC), trong tương lai vấn đề thay đổi khí hậu sẽ là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu. Bà kêu gọi Mỹ và các nước có lượng khí thải lớn song không ủng hộ nghị định thư Kyoto tham gia cuộc chiến toàn thế giới chống lại việc nóng lên toàn cầu.
Theo nghiên cứu mới nhất, khí CO2 và các khí thải khác do con người thải ra sẽ làm nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,4 đến 5,8 độ C vào cuối thế kỷ này, bà Waller-Hunter cảnh báo. Nhiệt độ toàn cầu gia tăng sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố khác của thời tiết, sự thay đổi mùa, tài nguyên nước, hệ sinh thái…Trong khi đó, dự tính ở các nước đang phát triển không cam kết giảm lượng khí thải sẽ bị đối mặt với tình trạng ô nhiễm gia tăng.