Nông nghiệp Điện Biên và yêu cầu thích ứng trước biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Là địa phương có lợi thế lớn về tiềm năng đất đai trong phát triển nông nghiệp, song trong nhiều năm trở lại đây, Điện Biên chịu tác động khá rõ rệt của hiện tượng biến đổi khí hậu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt.

Theo kết quả phân tích của các trạm thuộc tỉnh Điện Biên, biểu hiện biến đổi khí hậu tại địa phương chủ yếu thể hiện qua sự tăng giảm nhiệt độ và lượng mưa. Cụ thể: nhiệt độ không khí trung bình có sự biến động mạnh và có xu hướng tăng trung bình 0,2- 0,4°C/thập kỷ. Trong khi đó, lượng mưa lại có xu hướng giảm rõ rệt so với thời kỳ 1961 -1990, thời điểm bắt đầu mùa mưa của một số trạm diễn ra khá sớm và không ổn định, sớm nhất bắt đầu từ tháng 1 và bắt đầu muộn nhất có thể là tháng 6.

Xu thế nóng lên có thể khiến năng suất một số cây trồng được nâng cao hơn, song vô hình trung lại thúc đẩy sâu bệnh phát triển. Đặc biệt, do l­ượng mư­a giảm nên chi phí t­ưới tăng nhiều hơn, một số vùng hay bị khô hạn, thậm chí hạn nặng. Đáng chú ý là lượng mưa tập trung hầu hết vào mùa mưa nên mùa khô, các sông suối đều cạn khiến các diện tích đất dốc đa phần chỉ canh tác được một vụ. Trong số các cây trồng chính ở Điện Biên, lúa và ngô được xem là hai cây lương thực quan trọng hơn cả. Tuy nhiên, diện tích hai loại cây này trong những năm qua có tỷ lệ tăng không lớn do khô hạn và tập quán canh tác, trong đó khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề thiếu nước, đặc biệt là trong vụ hè thu.

Tập huấn đầu bờ cho giảng viên nguồn tại Sơn La - hoạt động nằm trong dự án BĐKH và các dân tộc miền núi phía Bắc (CEMI) do PanNature thực hiện tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu
Hoạt động tập huấn đầu bờ cho giảng viên nguồn tại Sơn La thuộc Dự án BĐKH và các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc Việt Nam do PanNature phối hợp thực hiện tại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu (Ảnh: PanNature)

Ngoài vấn đề về nắng nóng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, mưa đá, lũ quét, lũ ống… xảy ra ngày càng nhiều tại Điện Biên cũng rất đáng quan ngại, không chỉ gây nhiều thiệt hại về người và của mà còn khiến đất bị bào mòn, rửa trôi mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.

Theo thông tin từ Ủy ban Dân tộc, hậu quả của những trận lũ lụt, động đất, lốc cuốn… xảy ra từ năm 1998 đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã làm hơn 100 người chết, hàng trăm người bị thương, gần 29.000 ngôi nhà bị phá hủy, cuốn trôi hoặc hư hỏng. Trong đó, riêng 2013, mưa lũ gây thiệt hại hơn 748 ha lúa; hơn 112 ha thủy sản bị vỡ, trôi; hơn 550 gia súc, gia cầm bị chết. Năm 2014, thiên tai cũng làm ảnh hưởng hàng trăm ha lúa và hơn 107 ha thủy sản. Đặc biệt, năm 2015 xuất hiện hai đợt mưa lớn trong tháng 7 và 8, gây thiệt hại 1.200 ha lúa; gần 100ha ao cá và cuốn trôi gần 12.100 gia cầm, gia súc. Gần đây nhất, đợt rét hại trong tháng 1 và 2/2016 cũng khiến 1.029 gia súc bị chết với tổng thiệt hại lên đến 25 tỷ đồng.

Nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại và tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan, thiên tai đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Điện Biên cần chú ý nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp tác nghiệp đồng ruộng ngắn hạn và dài hạn.

Về ngắn hạn, cần tập trung chống xói mòn, bảo vệ đất, duy trì và bảo vệ độ ẩm và độ phì của đất. Trên vùng đất dốc cần thực hiện các biện pháp như: trồng cây che phủ, làm ruộng bậc thang, thay đổi lớp phủ thực vật… Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tưới hiệu quả và tiết kiệm như tưới phun, tưới nhỏ giọt; lựa chọn giống cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu (chọn giống ngắn ngày, chín sớm, giống chống chịu các điều kiện bất lợi như: hạn, sâu bệnh…); thay đổi các biện pháp canh tác thích hợp (mật độ trồng, cách bón phân, làm cỏ, cày bừa, phòng trừ sâu bệnh, luân canh cây trồng…).

Về dài hạn, cần chú trọng lai tạo giống thích nghi với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các giống có khả năng chịu hạn, sâu bệnh; nghiên cứu kỹ thuật canh tác nông nghiệp khoa học, hiệu quả; tăng cường công tác bảo vệ rừng nhằm giữ nước và bảo vệ đất.

Nguyễn Hồng Sơn, Trung tâm Nghiên cứu khí tượng nông nghiệp

Nguồn: