Quản lý nguồn nước Mê Công nhìn từ khía cạnh chia sẻ lợi ích và hợp tác cùng phát triển

ThienNhien.Net – Động thái khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mê Công trong những năm vừa qua của các quốc gia thượng nguồn đã gây ra nhiều lo ngại, đặc biệt là cho các quốc gia cuối nguồn. Mặc dù Hiệp định Mê Công 1995 và nhiều thỏa thuận song phương, đa phương giữa các quốc gia trong lưu vực luôn khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác, phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, những toan tính thiên về lợi ích cục bộ của mỗi quốc gia vẫn đang là xu hướng thắng thế. Bài viết này bàn về chủ đề quản lý nguồn nước dòng sông quốc tế Mê Công dưới góc nhìn hợp tác phát triển và chia sẻ lợi ích.

Chợ nổi trên sông Hậu, hạ nguồn sông Mê Công. (Ảnh: Nguyễn Thúy Hằng/PanNature)
Chợ nổi trên sông Hậu, hạ nguồn sông Mê Công. (Ảnh: Nguyễn Thúy Hằng/PanNature)

Chia sẻ lợi ích trong lưu vực sông Mê Công

Không ai có thể phủ nhận những lợi ích, trực tiếp hay gián tiếp, mà các dòng sông mang lại mặc dù hiện vẫn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, từ những góc độ khác nhau. Đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, lợi ích từ dòng sông là thủy điện, năng lượng. Đối với các chính phủ, đó có thể là nguồn thu cho ngân sách quốc gia, cơ hội phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước. Đối với những cộng đồng ven sông, dòng sông mang lại những nguồn lợi đảm bảo sinh kế và sinh hoạt hàng ngày. Theo Alam và cộng sự (2009) các lợi ích này có thể chia thành bốn nhóm: (i) lợi ích cho bản thân dòng sông: các lợi ích sinh thái nhờ quản lý tốt nguồn nước và các hệ sinh thái khỏe mạnh; (ii) lợi ích từ dòng sông: những lợi ích kinh tế từ việc sử dụng nước để sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ; (iii) lợi ích do dòng sông: giảm thiểu nguy cơ xung đột, tranh chấp liên quan đến tiếp cận công bằng nguồn nước; và (iv) lợi ích bên ngoài dòng sông: nhờ tăng cường các mối quan hệ nhằm thúc đẩy các thỏa thuận thương mại, dịch chuyển lao động, đặc biệt là hội nhập khu vực vượt ra khỏi phạm vi lưu vực. Từ cách nhìn nhận này, các tác giả đề xuất việc chia sẻ lợi ích cần chú trọng nhiều hơn đến những nguồn lợi thu được từ quản lý và sử dụng nguồn nước như năng lượng, lương thực và các dịch vụ môi trường.

Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công (gọi tắt là Hiệp định 1995) là nền tảng cho hợp tác phát triển, chia sẻ lợi ích từ nguồn nước con sông quốc tế này đối với bốn quốc gia thành viên là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Phạm vi và nội dung hợp tác, chia sẻ lợi ích được xác định trong Điều 1, Điều 2 của Hiệp định và được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch khác nhau trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC), bao gồm Chương trình Quy hoạch và Phát triển Lưu vực của Ủy hội (Basin Development Plan – BDP). Theo đó,  việc xác định các phương án chia sẻ lợi ích phát triển và rủi ro là một trong những ưu tiên chiến lược của BDP (MRC, 2011).

BDP được xây dựng với viễn cảnh tốt đẹp nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của lãnh đạo các quốc gia thành viên MRC về một lưu vực “có kinh tế thịnh vượng, xã hội công bằng và môi trường lành mạnh” (MRC, n.d.). Tuy nhiên, các kịch bản phát triển của BDP cũng hàm chứa những đánh đổi giữa lợi ích kinh tế từ phát triển, đặc biệt là phát triển thủy điện, với tác động tiềm tàng lên hệ sinh thái lưu vực cũng như nguồn sinh kế của hàng chục triệu người nghèo. Kết quả nghiên cứu gần đây, dựa trên phương pháp của MRC để phân tích chi phí-lợi ích trong BDP, cho thấy khi thay đổi một số giả định trong kịch bản phát triển tối đa của BDP, kết quả lợi ích kinh tế thay đổi từ tổng giá trị hiện tại thuần (net present value – NPV) là dương 33 tỉ USD xuống âm 274 tỉ USD do mất mát nguồn thủy sản tự nhiên, suy giảm sản lượng nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước (Kubiszewski et al., 2013).

Phát triển thủy điện dòng chính hiện đang là câu chuyện phát triển gây nhiều tranh cãi và lo ngại trong lưu vực Hạ Mê Công. Từ khía cạnh chia sẻ lợi ích, do thừa hưởng vị trí địa lý đặc biệt trong lưu vực, Lào sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất trong việc phát triển thủy điện với 10 con đập dòng chính nằm trong kế hoạch, trong đó có đập Xayaburi đang được xây dựng. Các quốc gia còn lại sẽ phải gánh chịu thiệt hại từ tác động của thủy điện, trong đó Việt Nam là bên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất (Trung tâm Con người và Thiên nhiên, 2011). Dường như ý tưởng về chia sẻ lợi ích và phát triển bền vững đến nay vẫn chỉ là những cam kết chính trị danh nghĩa, mặc dù được nhắc đến nhiều lần trong nhiều tuyên bố khác nhau của lãnh đạo các quốc gia thành viên MRC. 

Vấn đề chia sẻ lợi ích từ phát triển thủy điện đã và đang được bàn luận trên nhiều khía cạnh khác nhau. Từ góc độ lợi ích kinh tế đơn thuần, trong lưu vực Mê Công đã có các chương trình, hành động chia sẻ lợi ích ở các cấp độ và quy mô khác nhau, phần nhiều là ở hình thức bồi thường cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các công trình thủy điện (Suhardiman et al., 2014). Trong BDP, các quốc gia lưu vực xác định hai hình thức chia sẻ lợi ích chính: (i) các hoạt động trong mỗi quốc gia nhưng có tầm quan trọng lưu vực; và (ii) các dự án chung tiềm năng. Theo đánh giá sơ bộ của MRC thì đến nay cũng đã có một số hoạt động chia sẻ lợi ích ra ngoài biên giới, chủ yếu giữa hai quốc gia với nhau (Kittikhoun, 2014). Tuy nhiên, các nhìn nhận về “chia sẻ lợi ích” của MRC và một số nhà nghiên cứu như Suhardiman và cộng sự khá hạn hẹp, chủ yếu tập trung vào khía cạnh lợi ích kinh tế, bồi thường thiệt hại hoặc các cơ chế như Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR), Quỹ phát triển cộng đồng (Community Development Funds – CDF), hay Chi trả dịch vụ môi trường (Payment for Environmental Services – PES).

Sông Mê Công đoạn gần biên giới Campuchia-Lào, ngay dưới khu vực dự kiến xây dựng thủy diện Don Sahong. (Ảnh: Trịnh Lê Nguyên/PanNature)
Sông Mê Công đoạn gần biên giới Campuchia-Lào, ngay dưới khu vực dự kiến xây dựng thủy diện Don Sahong. (Ảnh: Trịnh Lê Nguyên/PanNature)

Chủ quyền, hợp tác và bài toán lợi ích

Có thể nói kể từ khi con đập Xayaburi được Chính phủ Lào đề xuất, bối cảnh hợp tác của lưu vực hạ Mê Công bắt đầu thay đổi. Hiệp định Mê Công 1995, các thủ tục và chính sách liên quan, kết quả nghiên cứu, đánh giá về Mê Công v.v… bắt đầu được sử dụng và diễn giải một cách khác nhau theo lợi ích của mỗi bên.

Với chính phủ Lào, mặc dù diễn ngôn của giới lãnh đạo Lào về các dự án đập thủy điện dòng chính không nhất quán, đôi khi là mâu thuẫn lẫn nhau, họ vẫn kiên trì bảo vệ lợi ích xây đập thủy điện trong các đàm phán song phương và đa phương. Sau con đập Xayaburi, Lào tiếp tục đề xuất con đập thứ hai Don Sahong trên dòng chính sông Mê Công vào năm 2014 trong sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều bên liên quan, đặc biệt là từ các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương trong lưu vực. Việc chính phủ Thái Lan mới đây công bố ý định thực hiện các dự án chuyển nước phục vụ phát triển kinh tế cũng gây ra nhiều quan ngại, ngay cả trong chính dư luận của quốc gia này. Đứng từ góc nhìn lý thuyết quan hệ quốc tế truyền thống, kế hoạch xây dựng thủy điện của Lào hay chuyển nước của Thái Lan nhằm khai thác và sử dụng nguồn nước trong lãnh thổ của mình hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tự quyết của họ. Bản thân Hiệp định 1995 rốt cuộc cũng không nhằm để phê duyệt hay loại bỏ bất kỳ dự án nào. Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng hai trong những nguyên tắc cốt lõi của Hiệp định 1995 là “bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” (điều 4) và “sử dụng công bằng và hợp lý” (điều 5) (MRC, 1995).

Khái niệm “bình đẳng chủ quyền” hoàn toàn có ý nghĩa khác biệt với “chủ quyền tuyệt đối” theo cách hiểu truyền thống của hệ thống quan hệ quốc tế hậu Westphalia[1].  Nhìn vào lịch sử xây dựng Hiệp định 1995 sẽ thấy rõ hơn về ý nghĩa cũng như mục đích của nguyên tắc “bình đẳng chủ quyền” này. Theo đó, việc lựa chọn nguyên tắc này nhằm dung hòa hai học thuyết khác nhau về luật nước quốc tế: (i) “chủ quyền lãnh thổ tuyệt đối” có lợi cho các quốc gia thượng nguồn; và (ii) “toàn vẹn lãnh thổ tuyệt đối” có lợi cho các quốc gia hạ nguồn. “Bình đẳng chủ quyền” cũng mang hàm ý nghĩa vụ và quyền lợi theo nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia lưu vực và thể hiện tinh thần hợp tác Mê Công trên cơ sở thiện chí của các bên (Radosevich, 1995).

Tuy không phải là một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, Hiệp định 1995 cũng có các điều khoản để đảm bảo quyền lợi của các quốc gia khi bị gây hại. Dù MRC không phải là “văn phòng cấp phép xây dựng” như Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào từng khẳng định[2], các quốc gia thượng nguồn cũng cần phải tính toán đến các tác động tiêu cực đối với các quốc gia khác như quy định tại điều 7 (Ngăn ngừa và ngừng ảnh hưởng có hại) và điều 8 (Trách nhiệm của quốc gia gây hại) theo Hiệp định 1995. Trong tình huống xấu nhất, các quốc gia phải ứng xử với nhau trên cơ sở các nguyên tắc của luật quốc tế về trách nhiệm quốc gia chứ không thể tự cách ly với quan điểm chủ quyền tuyệt đối.

Bài toán về lợi ích vì vậy cần đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn khi các quốc gia hạ nguồn Mê Công ít nhất đã có những điều kiện cơ bản để hợp tác từ Hiệp định 1995, chứ không thể theo xu hướng đơn phương phát triển và đặt quyền lợi riêng của từng quốc gia lên trên hết như hiện nay. Xét từ khía cạnh quản lý xung đột, việc gia tăng các hoạt động phát triển đơn phương nhằm tối đa hóa lợi ích của một vài bên sẽ đẩy nguy cơ xung đột lên cao. Từ cách tiếp cận của Alam và cộng sự (2009), hợp tác phát triển và chia sẻ lợi ích lưu vực Mê Công cần xem xét đến lợi ích tổng thể từ nguồn tài nguyên sông Mê Công mang lại hơn là chỉ một vài lĩnh vực như năng lượng hay nông nghiệp.

Theo đó, lợi ích bên ngoài dòng sông (nhóm 4 theo cách phân chia của Alam và cộng sự) cho các quốc gia trong lưu vực chắc chắn lớn hơn nhiều so với các lợi ích xuất phát từ sử dụng nguồn nước trực tiếp. Ngoài khuôn khổ hợp tác MRC, trong lưu vực đã và đang tồn tại rất nhiều mối quan hệ hợp tác đa phương, song phương đan xen, dày đặc với làn sóng hợp tác, đầu tư nội vùng vô cùng nhộn nhịp trong những năm qua. Chỉ tính riêng đầu tư của Việt Nam trong khu vực Mê Công, cho đến hết tháng 9/2012, tổng đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Lào là gần 3,8 tỉ USD với 221 dự án; vào Campuchia gần 2,57 tỉ USD với 123 dự án (Cục Đầu tư Nước ngoài, 2012). Hai quốc gia này chiếm tỉ trọng gần 50% trong tổng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam. Ngoài ra, đầu tư của Việt Nam vào Myanmar trong những năm vừa qua đang có xu hướng gia tăng.

Tiến trình hội nhập khu vực và toàn cầu hóa trong những năm tới đây sẽ làm mờ đường biên giới cứng của các quốc gia. Trong bối cảnh ASEAN chào đón Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 hướng đến phát triển một thị trường và khu vực sản xuất chung, sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, nguồn vốn, lao động… đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có các động thái nới lỏng quan niệm chủ quyền lãnh thổ tuyệt đối một cách cứng nhắc trong hoạch định chính sách. Bên cạnh mối quan hệ song phương, đa phương của mỗi quốc gia, ASEAN với tư cách là một cộng đồng chung cũng sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập của các quốc gia thành viên vào xu hướng phát triển chung của thế giới. Vì vậy, rõ ràng lợi ích quốc gia phải được đặt trong lợi ích toàn cục, tổng thể của cả khu vực.

Trong một thế giới ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn, các quốc gia trong cùng lưu vực sông càng bị phụ thuộc lẫn nhau cả về cơ hội lẫn rủi ro từ các quyết định khai thác, sử dụng tài nguyên nước do các vấn đề môi trường xuyên biên giới cũng như những tác động về kinh tế, xã hội, chính trị liên quan. Trên phạm vi toàn cầu, xu hướng chung đang dần dịch chuyển từ phát triển đơn phương và “chủ quyền tuyệt đối” sang “sử dụng hợp lý và công bằng” và “không gây hại đáng kể” (Subramanian et al., 2014). Xu hướng này cũng đã được cụ thể hóa bằng các nguyên tắc căn bản trong Hiệp định Mê Công 1995. Vấn đề còn lại là tinh thần hợp tác thiện chí, như cam kết chính trị của lãnh đạo các quốc gia lưu vực, để thực hiện một cách nhất quán và thực chất.

Hoàng hôn trên dòng sông Mê Công. (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)
Hoàng hôn trên dòng sông Mê Công. (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)

Hợp tác, chia sẻ lợi ích vì sự phát triển chung

Trước bối cảnh phát triển nóng trên dòng chính sông Mê Công như thời gian vừa qua, đã có nhiều lo ngại rằng hợp tác Mê Công theo tinh thần Hiệp định 1995 sẽ sớm muộn bị đổ vỡ. Tuy nhiên, cho đến gần đây nhất, trong Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh nhân Hội nghị cấp cao lần 2 của MRC, các nhà lãnh đạo cấp cao của các quốc gia thành viên vẫn “tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết và cam kết chính trị cao nhất đối với việc thực hiện Hiệp định Mê Công năm 1995” (MRC, 2014). Mặc dầu vậy, để biến những cam kết này thành hiện thực, các quốc gia trong lưu vực cần có những thay đổi cơ bản về nhận thức đối với vấn đề lợi ích, chia sẻ lợi ích trong hợp tác phát triển nguồn nước xuyên biên giới.

Trước hết, cần xem xét lại vấn đề “sở hữu nguồn nước” theo xu hướng quốc tế về hợp tác và phát triển trên tinh thần đề cao lợi ích chung thay vì phát triển đơn phương nguồn tài nguyên nước của từng quốc gia. Các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định 1995 về “bình đẳng chủ quyền”, “sử dụng công bằng và hợp lý” cần được tôn trọng và nếu cần thiết phải được diễn giải lại một cách cụ thể theo tinh thần thiện chí hợp tác vốn đã được khẳng định ngay từ khi Hiệp định được xây dựng.

Thứ hai, cần thẳng thắn nhìn nhận bản chất chính trị của nguồn nước xuyên biên giới. Theo Costa Ribeiro và Mello Sant’Anna (2014), vấn đề chính trị đầu tiên của nguồn nước là khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên này, do cơ hội và khả năng tiếp cận giữa các quốc gia trong một lưu vực là khác nhau xuất phát từ bản chất tự nhiên của nguồn nước. Quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới như sông Mê Công vì vậy cần ưu tiên các giải pháp mang tính chính trị  hơn là các vấn đề kỹ thuật, môi trường, kinh tế đơn thuần.

Thứ ba, để tăng cường thúc đẩy hợp tác theo tinh thần Hiệp định 1995, cần có các hành động giảm thiểu rủi ro cảm nhận[3] của lãnh đạo các quốc gia lưu vực. Điều này có thể lý giải từ nhận định của Subramanian và cộng sự (2014) cho rằng rủi ro cảm nhận của lãnh đạo các quốc gia lưu vực về chủ quyền và quyền tự quyết là một trong năm yếu tố[4] chính ảnh hưởng đến triển vọng hợp tác trong quản lý và chia sẻ lợi ích nguồn nước. Các nhà lãnh đạo có thể cảm thấy nguy cơ khi bị chi phối bởi các quyết định từ bên ngoài, không chỉ về mặt kiểm soát cơ sở hạ tầng và tài nguyên mà còn ở khía cạnh quyền lực ra quyết định một cách độc lập trong lãnh thổ của mình. Rõ ràng bên cạnh những tính toán về chi phí và lợi ích, các nhà lãnh đạo quốc gia còn bị chi phối bởi các rủi ro và cơ hội mà họ cảm nhận một cách chủ quan. Trong số 5 rủi ro cảm nhận theo đánh giá của Subramarian và cộng sự, rủi ro cảm nhận của lãnh đạo quốc gia về chủ quyền và bình đẳng là khó giải quyết nhất do các nguyên nhân về kinh tế và văn hóa. Các giải pháp giảm thiểu cảm nhận về rủi ro trong hợp tác cũng đóng vai trò quan trọng như việc nâng cao lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên (Subramanian et al., 2014).

Thứ tư, vấn đề chia sẻ lợi ích cần được đặt trong tổng thể các lợi ích khác nhau trong toàn lưu vực thay vì chỉ tập trung đơn lẻ theo từng địa điểm, theo từng dự án hoặc đơn thuần nhìn nhận ở khía cạnh bồi thường thiệt hại kinh tế cho các bên bị tác động trực tiếp. Chia sẻ ở đây không chỉ hàm ý riêng khía cạnh lợi ích mà còn tính đến trách nhiệm cho các rủi ro, tác động tiêu cực lên các quốc gia khác. Cách tiếp cận theo sáng kiến Chi trả dịch vụ môi trường (PES) có thể áp dụng cho toàn lưu vực với sự điều phối của MRC nhằm phần nào hài hòa lợi ích của mỗi quốc gia.

Thứ năm, để đảm bảo nguyên tắc công bằng và bình đẳng trong phát triển, các quốc gia trong lưu vực cần xem xét xây dựng các chuẩn mực chung về môi trường, xã hội và đầu tư có trách nhiệm đối với các hoạt động phát triển. Qua đó, các bên liên quan ở các quốc gia có cùng sân chơi bình đẳng trong quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên sông Mê Công. Đó cũng là xu hướng chung trong hội nhập khu vực và toàn cầu hiện nay.

Việt Nam với vị trí quốc gia cuối nguồn, bị ảnh hưởng lớn nhất từ các hoạt động phát triển thượng nguồn, cần đóng vai trò then chốt trong việc đề xuất các giải pháp cũng như đi đầu trong việc thực hiện các cam kết với các đối tác trong MRC. Bên cạnh hợp tác trong khuôn khổ MRC, Việt Nam nên lồng ghép vấn đề quản lý, chia sẻ lợi ích nguồn nước vào trong khuôn khổ các hợp tác song phương, đa phương, khu vực. Chính phủ nên ủng hộ và thúc đẩy các nỗ lực cải tổ cơ chế quản trị nguồn nước Mê Công, bao gồm việc tăng cường hiệu lực thực thi của Hiệp định Mê Công cũng như phát triển, xây dựng các chính sách, hướng dẫn mới. Ở cấp độ quốc gia, cần nâng cấp Ủy ban sông Mê Công Việt Nam về cả vai trò, nguồn lực, cơ chế, mở rộng hợp tác, hiệu quả tham vấn chính sách và thực thi các hoạt động giám sát, nghiên cứu về tác động của phát triển trên sông Mê Công lên phía Việt Nam.


[1] Khái niệm “chủ quyền lãnh thổ” trong lịch sử quan hệ quốc tế xuất phát từ Hòa ước Westphalia (năm 1648) cùng với khái niệm “quốc gia – dân tộc” (nation – state), theo đó văn bản này lần đầu tiên xác nhận chủ thể trong quan hệ quốc tế là các quốc gia. Các nguyên tắc của Hòa ước này đã góp phần định hình định hình nên thế giới với các quốc gia độc lập, có chủ quyền quốc gia tối thượng, tính độc lập, và việc tôn trọng quyền tự quyết của mỗi quốc gia.

 [2] Trên mục “Opinion” (Ý kiến) của tờ The Nation của Thái Lan ngày 24/10/2014, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, ông Viraphonh Viravong đã bày tỏ quan điểm khá gay gắt, cáo buộc các tổ chức và nhà hoạt động môi trường phá hoại Chính phủ Lào và Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Bài viết của ông có đoạn: “Dường như điều  các nhà hoạt động muốn là MRC ngăn cản Lào xây dựng đập trên sông Mê Công. Đáng tiếc đây không phải là điều MRC có thể làm. Thủ tục thông báo, tham vấn trước và thoả thuận trong khuôn khổ Hiệp định 1995 không phải là cơ chế để phê duyệt hay loại bỏ bất kỳ dự án nào. MRC không phải là văn phòng cấp phép xây dựng”

[3] Rủi ro cảm nhận (perceived risk) là những bất trắc mà lãnh đạo quốc gia đó đối mặt khi họ không lường trước được hậu quả của việc ra quyết định.

[4] Năm rủi ro cảm nhận đối với hợp tác lưu vực sông quốc tế theo Subramanian và cộng sự: (i) Năng lực và kiến thức; (ii) Trách nhiệm giải trình và tiếng nói; (iii) Chủ quyền và quyền tự quyết; (iv) Công bằng và khả năng tiếp cận; (v) Sự ổn định và hỗ trợ hợp tác.

Tài liệu tham khảo chính:

  • Alam, U., Dione, O. & Jeffrey, P., 2009. The benefit-sharing principle: Implementing sovereignty bargains on water. Political Geography, 28(2), pp.90–100. Nguồn: http://bit.ly/btcs00280  
  • Costa Ribeiro, W. & Mello Sant’Anna, F., 2014. Water security and interstate conflict and cooperation. In Documents d’Anàlisi Geogràfica. pp. 573–596.
  • Cục Đầu tư Nước ngoài, 2012. Tình hình đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài 9 tháng đầu năm 2012. Nguồn: http://bit.ly/btcs00283
  • Kittikhoun, A., 2014. Regional benefit sharing for sustainable development of the Mekong basin. Nguồn: http://bit.ly/btcs00288
  • Kubiszewski, I. et al., 2013. Hydropower development in the lower Mekong basin: alternative approaches to deal with uncertainty. Regional Environmental Change, 13(1), pp.3–15. Nguồn: http://bit.ly/btcs00289
  • Radosevich, G.E., 1995. Agreement on the Cooperation for the Sustainable Development of the Mekong River Basin – Commentary & History.
  • Sadoff, C. et al., 2012. Chia sẻ – Quản lý nước xuyên biên giới, Gland, Thụy Sĩ: IUCN.
  • Subramanian, A., Brown, B. & Wolf, A.T., 2014. Understanding and overcoming risks to cooperation along transboundary rivers. Water Policy, 16(5), pp.824–843. Nguồn: http://bit.ly/btcs00290
  • Suhardiman, D. et al., 2014. Benefit sharing in Mekong Region hydropower: Whose benefits count? Water Resources and Rural Development, 4, pp.3–11. Nguồn: http://bit.ly/btcs00291
  • Trung tâm Con người và Thiên nhiên, 2011. Thủy điện Mê Công: Ai được, ai mất? Nguồn: http://bit.ly/btcs00292
  • MRC, 2011. Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho hạ lưu vực sông Mê Công. Nguồn: http://bit.ly/btcs00293
  • MRC, 1995. Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, Chiềng Rai, Thái Lan. Nguồn: http://bit.ly/btcs00294
  • Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Tầm nhìn của lưu vực sông Mê Công. Nguồn: http://bit.ly/btcs00295
  • Ủy hội sông Mê Công quốc tế, 2014. Toàn văn Tuyên bố TP. Hồ Chí Minh thông qua tại Hội nghị MRC. Nguồn: http://bit.ly/btcs00296

Trịnh Lê Nguyên, Trung tâm Con người và Thiên nhiên