Hạn, xâm nhập mặn bủa vây đồng đất Cà Mau

ThienNhien.Net – Không có mưa trái vụ từ cuối năm 2014 đến nay làm cho tình trạng hạn hán và xâm thực mặn ở Cà Mau trở nên gay gắt hơn. Theo dự báo, hạn, mặn sẽ còn kéo dài ít nhất trong hai tháng tới đây. Để giữ rừng bình yên, Cà Mau triển khai nhiều biện pháp chống hạn; phòng, chống cháy rừng (PCCR) với quyết tâm cao nhất không để xảy ra cháy rừng trong mùa khô 2015.

Thiếu nước sinh hoạt, sản xuất…

Tại nhiều vùng ngọt hóa phía bắc của Cà Mau, hệ thống thủy lợi chưa khép kín cộng với hạn hán khiến xâm thực mặn sâu vào nội đồng. Đặc biệt là ven tuyến đê biển Tây, có nơi mặn ăn sâu vào đất liền từ 1 đến 2 km, làm hàng nghìn héc-ta cây trái, rau màu… bị chết hoặc giảm năng suất. Hạn, mặn cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống rất nhiều hộ dân vùng đệm rừng tràm Cà Mau. Kênh, rạch tại một số ấp của xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời gặp hạn, kiệt nước khiến nhu cầu sử dụng nước trong sinh hoạt càng bức thiết. “Xài nhiều quá nên hệ thống trạm nước bị quá tải, chảy yếu ớt, bà con xài nước dè chừng, hứng lâu mới đầy xô” – ông Lý Minh Khởi, Phó giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Cà Mau, cho biết.

Nhiều nông hộ ở Đầm Dơi “treo đầm”, vì mặn cao nuôi tôm không hiệu quả.
Nhiều nông hộ ở Đầm Dơi “treo đầm”, vì mặn cao nuôi tôm không hiệu quả.

Dọc tuyến bờ tây và bờ đông của Sông Trẹm qua địa bàn xã Biển Bạch, hạn hán từ sau Tết Nguyên đán đến nay khiến hơn 500/gần 2.000 hộ dân của xã này thiếu nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt. Hầu hết các lu, khạp trữ nước mưa đã không còn nước, nhân dân địa phương phải chầu trực chờ ghe chở nước ngọt từ vùng khác đến để mua nước với giá đắt đỏ. Ông Phạm Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch, cho biết: “Người dân phải mua nước sinh hoạt từ 45.000 đến 60.000 đồng/khối, tùy đường vận chuyển gần hay xa”.

Tại các vùng phía nam chuyên nuôi thủy sản của Cà Mau, hạn hán làm kiệt nước ngoài sông rạch, người dân tạm đối phó bằng cách đặt máy bơm để tiếp nước vào vuông tôm. Hiện, độ mặn ở đây lên tới 29‰ trên sông Cà Mau và 31‰ ở sông Ông Đốc, tăng từ 1‰ đến 3‰ so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Trung, Phó trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau, độ mặn hơn 30‰ sẽ làm cho tôm nuôi chậm phát triển, chậm lớn và dẫn đến phát sinh nhiều nguồn gây hại tôm phát triển. Điều đó đã lý giải phần nào gần 1.000 héc-ta nuôi tôm trái vụ ở Cà Mau bị thiệt hại nặng từ đầu năm 2015 đến nay. Hiện nay, nhiều diện tích ao, đầm nuôi tôm công nghiệp ở các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước và TP Cà Mau người nuôi treo ao, bỏ trống. Ông Huỳnh Văn Út, hộ nuôi tôm công nghiệp ở xã Tạ An Khương Nam, xót xa: “Chấp nhận treo ao né vụ, chờ mặn dịu lại mới thả nuôi vụ mới. Thà chậm còn hơn đánh liều, nguy cơ rủi ro thả tôm nuôi trong lúc này là rất cao…”.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho hay: Hiện toàn tỉnh có gần 10 nghìn héc-ta đất nông nghiệp bị xâm thực mặn do nhiều nguyên nhân. Tình hình hạn, mặn kéo dài thì vụ sản xuất tới đây sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với vụ lúa hè thu; trong khi tại các vùng ngọt hóa sẽ khó có thể chủ động, thiếu nước ngọt phục vụ gieo trồng cây con hệ ngọt… Để giảm tổn thất, ngành nông nghiệp Cà Mau khuyến cáo người nuôi tôm né vụ; tranh thủ làm vệ sinh ao đầm nuôi; không thả tôm giống ngay trong thời điểm hạn gay gắt, độ mặn cao dễ phát sinh các loại dịch bệnh trên tôm…

Rừng tràm kiệt nước

Nắng tháng 4 khiến cho lâm phần rừng tràm Cà Mau tăng mức cảnh báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm theo từng giờ, từng ngày. Nơi có rừng trồng nhiều nhất thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, với hơn 25 nghìn héc-ta. Đến ngày 7-4 vừa qua, nơi đây có hơn 13,2 nghìn héc-ta rừng cảnh báo cháy cấp 5, cấp báo cháy cực kỳ nguy hiểm. Tuy phần lớn diện tích đã khô hạn hoàn toàn nhưng ban lãnh đạo công ty khá yên tâm, vì phần lớn diện tích rừng tràm đã giao khoán cho hộ dân và hộ liên doanh liên kết.

Theo hai diện nêu trên, phần lớn lợi nhuận sau khai thác rừng thuộc về hộ dân, hộ liên doanh liên kết, nên với quyết tâm giữ rừng cao nhất và coi rừng như tài sản của chính gia đình mình; chủ động hiệp sức cùng với các cấp chính quyền, chủ rừng canh lửa mùa khô kể cả ngày lẫn đêm. Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty, cho biết: “Ban lãnh đạo thường xuyên kiểm tra các chốt, tháp canh lửa để kịp thời động viên, đôn đốc cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm, những người túc trực gác rừng vượt qua khó khăn hiện nay. Nhờ làm tốt công tác chủ động PCCR nên từ đầu mùa khô năm 2015 tới nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào trên lâm phần”.

Luồn lách qua những tuyến đường xuyên rừng tràm, chúng tôi về Vườn Quốc gia (VQG) U Minh hạ. Càng về trưa nắng càng gay gắt hơn. Các con kênh dưới tán rừng cạn kiệt nước. Ấy vậy mà cây tràm vẫn xanh tươi; hoa tràm nở trắng… Trên tháp canh lửa Cây Gừa, thuộc Tiểu khu 4, VQG U Minh hạ, quan sát chung quanh dễ thấy những thân dây leo bám vào thân tràm đã héo queo vì hạn hán. Anh Tạ Hoàng Việt, Chốt trưởng tháp canh Cây Gừa, nơi rừng già đang được bảo vệ nghiêm ngặt, cùng với những đồng đội của mình ngày đêm canh trực, sẵn sàng ứng cứu kiên quyết không để xảy ra cháy rừng trong mùa khô này.

Ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc VQG U Minh hạ, cho hay, toàn lâm phần hơn 8,5 nghìn héc-ta đã khô hạn hoàn toàn. Trong đó báo cháy cấp 5 trên 4,7 nghìn héc-ta; cấp 4 hơn 2,5 nghìn héc-ta. Để giữ từng gốc tràm, công tác PCCR ở đây càng khẩn trương, quyết liệt hơn với nhiều cách làm thiết thực theo phương châm bốn tại chỗ, như: động viên, khuyến khích cán bộ, công nhân bám rừng tại các chốt, trạm gác rừng… Toàn VQG hiện bố trí hàng chục trạm, chốt cùng với cán bộ, công nhân thay nhau canh trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng cứu trên toàn địa bàn khi xảy ra tình huống cháy, kịp thời dập tắt ngay không để cháy lây lan và cháy lớn. Hằng ngày thay nhau luồn rừng vào những giờ cao điểm nhằm ngăn chặn, phát hiện người lạ vào rừng săn thú, bắt cá, đốt ong lấy mật là nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là một số người dân vẫn còn lén lút vào rừng bắt cá, săn bắt động vật, đốt ong lấy mật…

Ông Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc VQG U Minh hạ hướng dẫn chúng tôi đi sâu vào nơi khô hạn tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt đang có hơn 2 nghìn ha tràm già cỗi. Nơi đây, bề mặt rừng không nơi nào còn nước. Lớp thực bì, than bùn dày cộm dưới chân rừng không còn chút nước; khô quánh chỉ cần bất cẩn để rơi tàn thuốc lá là có thể phát cháy ngay… Khô hạn còn kéo dài; hiện nay cứ mỗi tuần nước dưới kênh bốc hơi từ 7 đến 8cm và nhiều con kênh trục chính trữ nước trong rừng chỉ còn chừng 1 mét nước, gây khó khăn cho công tác PCCR.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Cà Mau, cho biết: Chủ động ứng phó trước nguy cơ cháy rừng mùa khô 2015 này, Cà Mau đã huy động hàng nghìn lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách luân phiên ứng trực 24/24 giờ ở 126 tháp, chốt canh lửa; 86 tổ máy bơm công suất lớn, với gần 64 nghìn mét ống dẫn nước chữa cháy. Các đơn vị chủ rừng đã ban gạt thông thoáng hơn 90 km đường lưu thông xuyên rừng trên bộ; cả đường nhựa và đất đen; gần 210 km đường kênh rạch và 80 vỏ, máy bảo đảm việc tuần tra, kiểm tra rừng khô hạn.

Kiểm tra máy bơm, túc trực sẵn sàng ứng cứu khi có cháy.
Kiểm tra máy bơm, túc trực sẵn sàng ứng cứu khi có cháy.

Đến nay, toàn bộ diện tích rừng tràm hơn 38,4 nghìn héc-ta đã bị khô hạn hoàn toàn; trong đó, báo động cấp 4-5 hơn 31,4 nghìn héc-ta. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác PCCR theo phương châm “4 tại chỗ” nên chưa vụ cháy nào xảy ra. Tình hình khô hạn diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy rừng là rất cao. Diện tích rừng bị khô hạn đang tăng lên từng ngày. Hiện, toàn lâm phần đã có trên bốn nghìn người là tình nguyện viên, tham gia lực lượng xung kích; được tổ chức thành nhiều nhóm, tổ, trung đội, đại đội tự vệ và được hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ chữa cháy sơ bộ, ra sức bảo vệ PCCR rừng khi có tình huống xấu nhất.

Đối phó với khô hạn hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ rừng, đơn vị quản lý, các địa phương, thực hiện nghiêm việc bảo vệ PCCR. Đối với những khu rừng xung yếu, quý hiếm tổ chức canh trực ngày đêm và qua đó giúp lực lượng bảo vệ rừng có thể xác định được vị trí, tọa độ và mức độ cháy của mũi lửa nhanh và chính xác nhất; từ đó kịp thời huy động lực lượng đến hiện trường dập tắt lửa ngay. Cùng với tỉnh, Ban Chỉ huy PCCR tại các đơn vị, địa phương có rừng tăng cường bám địa bàn; từng phương án cần được rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên nhằm kịp thời đối phó khi có cháy. Trên toàn lâm phần U Minh hạ hiện có gần sáu nghìn hộ dân sản xuất sinh sống từ nghề rừng. Hầu hết số hộ này đã ký cam kết, giao ước cộng đồng trách nhiệm nâng cao ý thức bảo vệ, PCCR và qua đó sẽ hạn chế được tình trạng cháy rừng. Tỉnh yêu cầu các đơn vị quản lý và địa phương có rừng quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân mưu sinh từ nghề rừng còn nhiều khó khăn, không để cho bà con thiếu nước sinh hoạt, thiếu ăn… trong mùa khô 2015.

Rời U Minh hạ, nắng chiều hừng hực. Trên những tháp cao gác rừng, cán bộ làm nhiệm vụ dõi mắt xa xăm, mong mưa… Chúng tôi trân trọng, sẻ chia nỗi gian nan của những người thợ ngày đêm canh gác, làm hết sức mình bảo vệ từng gốc tràm, giữ yên bình cho toàn lâm phần U Minh hạ trong mùa khô này.