Trầm tích sông, hồ nhiễm chất độc hại PCB

ThienNhien.Net – Việt Nam không sản xuất PCB nhưng đã nhập khẩu 27 đến 30.000 tấn dầu chứa PCB trong các năm từ 1960 đến 1990.

Kết quả quan trắc môi trường cho thấy, có nồng độ PCB tương đối lớn trong trầm tích sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, hồ Yên Sở, lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai và nhiều khu vực chôn lấp thiết bị điện, nhiều diện tích đất nông nghiệp tại các địa phương. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm liên quan đến vấn đề này được tổ chức ngày 12 – 6 tại Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án PCB (do Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì): Có 12 trong số 209 cấu tử PCB có tính chất tương tự dioxin, trong đó có hóa chất chỉ kém chất Dioxin 10 lần về mức độ độc hại. Việc xử lý giảm thiểu, dứt điểm PCB có thể mất từ 7 năm đến hàng trăm năm. Tổ chức Y tế thế giới xác định PCB là hợp chất gây nên bệnh ung thư.

PCB (tên viết tắt của cụm từ polychlorinated biphenyls), là một trong 22 nhóm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) được quy định trong công ước Stockholm. PCB cách điện tốt, không gây cháy nổ nên từ những năm 1930 đã được sử dụng rộng rãi làm phụ gia cách điện cho các thiết bị như máy biến áp, tụ điện, trong chất lỏng thủy lực cho thiết bị nâng, hạ cùng một số ứng dụng dân dụng khác. Tác hại của PCB được phát hiện vào năm 1937.

Ở Việt Nam cho đến nay chưa có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra do rò rỉ phát tán PCB, tuy nhiên thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm cho thấy, Việt Nam đang tiềm ẩn hậu quả khó lường do PCB thẩm thấu xuống các lớp bùn đáy của nhiều hệ thống sông, hồ.