Phát triển kinh tế nhưng phải lo bảo vệ môi trường sinh thái

ThienNhien.Net – Tác động bất lợi về mặt môi trường, đa dạng sinh học rất cụ thể thông qua việc biến đổi khí hậu trong thời gian qua.

Hội thảo về phương pháp tiếp cận quy hoạch tổng hợp nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược về công ước đa dạng sinh học và tăng cường sức chống chịu của hệ sinh thái với biến đổi khí hậu đã diễn ra vào sáng nay (27/5) tại Cần Thơ. Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối với Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) tổ chức.

Vùng Tứ giác Long Xuyên
Vùng Tứ giác Long Xuyên (Ảnh: VOV.VN)

Theo dự án, các Quốc gia được thụ hưởng gồm: Việt Nam, Colombia, Tanzania và Zambia. Tổng kinh phí thực hiện hơn 3 triệu Euro do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân – Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ; thời gian triển khai thực hiện từ tháng 1/2014 đến tháng 4/2018.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng chống chịu của ĐBSCL thông qua khôi phục khả năng chịu lũ và chức năng điều hòa lũ vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, cũng như khôi phục khả năng cung cấp các dịch vụ sinh thái của các hệ tự nhiên tại các vùng ven biển. Chính vì vậy, Dự án sẽ thử nghiệm việc sử dụng công cụ pháp lý và chính sách thông qua quan hệ hợp tác với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhằm thay đổi các chính sách liên quan đến việc canh tác lúa vụ ba để từ đó trữ lượng nước tại vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long xuyên không suy giảm thêm do lập bờ bao kín.

Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, nhà nguyên cứu về đất nông nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học, thành viên Ban cố vấn của dự án, trong mấy chục năm qua chúng ta chỉ chú trọng vào việc phát triển vì mục tiêu kinh tế là chính. Do đó, tác động bất lợi về mặt môi trường, về đa dạng sinh học là rất cụ thể thông qua việc biến đổi khí hậu diễn ra nhanh trong những năm gần đây.

“Dự án dựa trên những kinh nghiệm của những người đã từng làm ở ĐBSCL rất nhiều năm. Chúng ta sẽ góp ý tư vấn cho quy hoạch ở cấp tỉnh và cấp vùng để quy hoạch này phù hợp theo hướng phát triển bền vững trong tương lai. Có nghĩa là giải quyết mục tiêu kinh tế nhưng cũng đồng thời giải quyết được mục tiêu môi trường và gìn giữ đa dạng sinh học cho cả vùng đồng bằng này”, TS Dương Văn Ni cho biết.