Hải quan “soi” kẽ hở của Bộ Công thương

ThienNhien.Net – Tổng cục Hải quan cho biết, Thông tư số 41/2012/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về xuất khẩu khoáng sản có một số bất cập liên quan đến quản lý khoáng sản xuất khẩu.

Ngành hải quan đang lo ngại về những kẽ hở trong quy định về quản lý xuất khẩu khoáng sản
Ngành hải quan đang lo ngại về những kẽ hở trong quy định về quản lý xuất khẩu khoáng sản

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 41/2012/TT-BCT, doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản phải xuất trình cho cơ quan hải quan Phiếu phân tích mẫu để xác nhận sự phù hợp về tiêu chuẩn, chất lượng của lô hàng xuất khẩu, do một phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS cấp (tiêu chuẩn theo Hệ thống công nhận phòng thử nghiệm/hiệu chuẩn Việt Nam).

Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, Thông tư số 41/2012/TT-BCT chưa quy định cụ thể về thời điểm và đối tượng thực hiện lấy mẫu của lô hàng khoáng sản để gửi đi phân tích.

Tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 41/2012/TT-BCT, khi làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản, nếu Hải quan cửa khẩu có cơ sở nghi vấn lô hàng khoáng sản xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định thì vẫn có quyền cho thông quan, đồng thời tiến hành lập biên bản và lấy mẫu khoáng sản để kiểm tra lại.

Việc doanh nghiệp lấy mẫu đưa đi phân tích để xác định sự phù hợp về tiêu chuẩn, chất lượng của lô hàng xuất khẩu, do một phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS cấp không có sự chứng kiến của cơ quan Hải quan và lô hàng xuất khẩu được đưa đến từ ngoài khu vực kiểm soát của cơ quan Hải quan.

Do đó, cơ quan Hải quan không có đủ cơ sở để xác định lô hàng được kiểm tra và xuất khẩu có đúng thực tế không nên dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định thông thoáng nêu trên để xuất khẩu khoáng sản không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Để tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng “râu ông nọ, cắm vào cằm bà kia” để qua mắt cơ quan chức năng, Tổng cục Hải quan đang yêu cầu các cục hải quan địa phương khi làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản đều phải lấy mẫu để kiểm tra lại (trừ trường hợp việc lấy mẫu phân tích trước đó đã có sự chứng kiến của cơ quan Hải quan).