Việt Nam – một điểm nóng buôn bán mật gấu của châu Á

ThienNhien.Net – Nạn săn trộm và buôn bán gấu trái phép, phần nhiều vì nhu cầu lấy mật làm thuốc vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều khu vực ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Đó là nhận định trong báo cáo mới nhất của TRAFFIC, Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động Thực vật hoang dã, về vấn nạn này.

Theo Báo cáo “Pills, Powders, Vials & Flakes: The bear bile trade in Asia” (Tạm dịch: Buôn bán mật gấu làm thuốc ở châu Á) của TRAFFIC thì trong số 13 quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát chỉ có một địa điểm nằm ngoài luồng buôn bán này là Macao.

Nuôi nhốt gấu trái phép lấy mật (Ảnh: En.radio86.com)

Cũng theo báo cáo trên, châu Á tập trung rất nhiều thị trường buôn bán mật gấu lớn, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Myanmar và Việt Nam. Đặc biệt, nguồn gốc của các sản phẩm này chủ yếu là từ Trung Quốc. Ở Myanmar, mật gấu đem bán chỉ lấy từ một nguồn duy nhất là Lào; sang tới Hồng Kông, người ta khảo sát được rằng đa phần sản phẩm tại đây bắt nguồn từ Nhật Bản; trong khi đó quá nửa số sản phẩm đem bán ở Hàn Quốc lại có nguồn gốc từ  Nga. Và loại hàng hóa được trao đổi phổ biến nhất là túi mật và thuốc viên chiết xuất từ mật gấu.

Điều đáng nói là tình hình buôn bán các sản phẩm từ gấu đang diễn biến ngày một mạnh mẽ và phức tạp, thậm chí trong một số trường hợp, nhà sản xuất và người tiêu dùng còn bắt tay nhau thực hiện các phi vụ.

Mặc dù buôn bán mật gấu ở Trung Quốc và Nhật Bản là hợp pháp, dưới nhiều quy định khắt khe, nhưng ở Campuchia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam hoạt động này bị coi là phạm pháp.

Tuy nhiên, việc các quy định về xuất – nhập khẩu trong thực tế gần như bị coi thường đã chứng tỏ sự thất bại của quá trình thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn hiệu quả nạn buôn bán mật gấu trái phép và bảo vệ loài gấu theo Công ước CITES.

Trước hiện trạng này, báo cáo kêu gọi các chính quyền “đóng cửa những cơ sở kinh doanh buôn bán các sản phẩm phi pháp từ gấu và khởi tố những cá nhân có hành vi mua, bán, vận chuyển hoặc nuôi nhốt gấu trái phép”, bà Kaitlyn-Elizabeth Foley, nhân viên chương trình cấp cao thuộc TRAFFIC Đông Nam Á, đồng thời là tác giả chính của báo cáo, cho biết.

Cuối cùng, báo cáo đi đến kết luận, nếu còn tiếp tục dung dưỡng ngành sản xuất mật gấu ở châu Á thì chắc chắn áp lực sẽ đè nặng lên các quần thể gấu hoang dã. Khi đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn về thể trạng, bệnh lý của những con gấu nuôi trong trang trại và cả những rủi ro đối với sức khỏe con người trong trường hợp tiêu thụ phải mật gấu bị nhiễm bệnh.

Việt Nam: Nóng bỏng nạn buôn bán mật gấu trái phép

Khảo sát của TRAFFIC cho thấy Việt Nam đang là một trong những điểm nóng buôn bán trái phép các sản phẩm mật gấu. Mặc dù đã cam kết tham gia thực thi Công ước CITES từ năm 1994 và ban hành quyết định về đăng ký và gắn chíp cho gấu nuôi nhốt ở các trang trại, hộ gia đình… vào năm 2006 nhưng theo báo cáo mới đây của TRAFFIC, vấn nạn này ở Việt Nam vẫn hết sức nhức nhối. Nguy hiểm hơn, hoạt động buôn bán mật gấu trái phép không chỉ gia tăng mạnh mà còn có chiều hướng xuyên biên giới.

Ngang nhiên buôn bán mật gấu (Ảnh: ThienNhien.Net)

Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV), cơ quan đồng tác giả của báo cáo trong phần khảo sát về Việt Nam, trong vòng chưa đầy 7 năm (2005 – 2011) đã thống kê được tổng cộng 807 vụ phạm tội liên quan đến gấu, gồm cả quảng cáo, săn bắn, sở hữu, vận hành buôn bán, săn trộm và bán gấu cùng những sản phẩm từ gấu.

Qua khảo sát của TRAFFIC tại các hiệu thuốc y học cổ truyền Việt Nam, có tới 65% số hiệu thuốc bán các sản phẩm mật gấu, 17% số hiệu thuốc bày bán một cách công khai. Trong đó, mặt hàng phổ biến nhất trên thị trường chính là mật gấu tươi đóng trong lọ dung tích 1cm3 (chiếm tỷ lệ 45%).

Theo báo cáo, nhiều sản phẩm của Việt Nam còn được người bán dán nhãn Trung Quốc để đánh lừa khách hàng hoặc đơn giản là để thu hút khách du lịch Trung Quốc và một phần rất lớn sản phẩm mật gấu từ các trại gấu Hà Nội, Quảng Ninh… được bán cho khách du lịch Hàn Quốc.

Đáng chú ý là quá nửa (85%) số sản phẩm mật gấu ở Việt Nam được “du nhập” từ một số nguồn bên ngoài mà chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Nga.

Nhìn chung, hoạt động buôn bán mật gấu tại Việt Nam vẫn đang diễn biến tinh vi, phức tạp không kém hiện trạng buôn bán ở những điểm nóng trong khu vực châu Á. Nếu không có biện pháp mạnh tay hơn, e rằng Việt Nam sẽ không thể hạn chế và tiến tới chấm dứt vấn nạn này.