Chuyện về ông già nghiên cứu điôxin bằng chim

ThienNhien.Net – Mọi người biết đến ông là một trong những nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về đa dạng sinh học và môi trường. Tiếng tăm của ông càng vươn xa với những giải thưởng danh giá quốc tế. Song, có một lĩnh vực đã gắn bó da diết với ông gần 40 năm nay, và công việc ấy đã trở thành một "thứ bùa định mệnh" khiến ông thể nào rời xa lĩnh vực môi trường, đó là nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc hoá học chiến tranh.


Đến với môi trường nhờ diôxin

 

Cuối năm 1970, đất nước còn chia đôi miền tại ranh giới là cây cầu Hiền Lương ở vĩ tuyến 17 vắt ngang con sông Bến Hải. Bấy giờ, ông phụ trách khoa Sinh của Trường Đại học Tổng hợp, nằm ở số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

 

Nghe phong thanh về ảnh hưởng của chất diệt cỏ Mỹ rải thảm ở Việt Nam, ông đã nhen nhóm mong ước được tìm hiểu sâu lĩnh vực này suốt mấy năm trời. Một buổi nói chuyện tình cờ với Gs. Tôn Thất Tùng với lời gợi ý của giáo sư chẳng ngờ đã trở thành cú hích khiến ông sớm thực hiện điều ấp ủ của mình. Gs. Tôn Thất Tùng khi ấy là hiệu trưởng trường Đại học Y, đang nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc da cam đối với con người, song ông còn trăn trở vì tác động của chất độc này đối với môi trường chưa có ai nghiên cứu.

 

Với việc nhận lời đầy hồ hởi của nhà giáo Võ Quý, có lẽ rằng hai nhà giáo đáng kính của chúng ta bấy giờ đã có được khoảnh khắc vui mừng khôn xiết. Con đường nghiên cứu của Gs. Võ Quý về chất độc hoá học chiến tranh đối với môi trường bắt đầu kể từ đó.

 

***

 

Chuyến khảo sát đầu tiên năm 1971 cùng năm đồng nghiệp đối với Gs. Võ Quý là kỷ niệm không bao giờ quên. Bảy ngày đêm trụ tại Vĩnh Mốc, hầu như thức trắng, ngày nghiên cứu khoa học, đêm trở thành người lính chiến trường, trong bốn bề bom đạn, đất đá, khói lửa. Chờ đợi mãi nhưng không thể vượt qua cầu Hiền Lương để tiếp tục Nam tiến, nhóm của ông đành trở về. Những ghi nhận đầu tiên của nhóm là vùng Rú Lệnh ở Vĩnh Mốc, khoảng 10 cây số vuông cây cối trơ trụi.

 

Tuy không mang lại nhiều kết quả nhưng đó là chuyến đi thử thách lòng kiên nhẫn, một chuyến đi đầy ý nghĩa –  nghiên cứu về ảnh hưởng của chiến tranh ngay trong lòng cuộc chiến.

 

Năm 1974, dù cây cầu Hiền Lương vẫn chia cắt đất nước song nhóm nghiên cứu đã tiến vào được đến Đắc Lắc. Chuyến đi được tổ chức đàng hoàng hơn, và cũng chứng kiến sự thật đau thương hơn. Ông nhớ lại: “Đi dọc đường Trường Sơn, thấy chỗ nào cũng bị rải chất độc hoá học. Hàng trăm kilômét ven đường rừng chết khô hàng loạt, không còn sự sống. Bấy giờ, phía Mỹ công bố với quốc tế rằng họ phun loại hoá chất chỉ làm rụng lá, không làm cây cối chết hay tác động đến hệ sinh  thái, con người và động vật. Đó là điều hoàn toàn trái ngược với những gì mà chúng tôi chứng kiến.”

 

Gs. Võ Quý đã nguyện gắn bó với môi trường kể từ thời khắc ấy. Ông đã tự nhủ với chính mình: Ảnh hưởng của chiến tranh quá lớn, cần làm một việc gì đó cho môi trường.

 

Nghiên cứu điôxin bằng chim

 

Cuộc trò chuyện hôm ấy của bác cháu tôi bỗng trở nên rôm rả khi tôi hỏi ông “Ngày ấy khó khăn thế, không phương tiện, không thiết bị, bác nghiên cứu điôxin bằng cách nào ạ?“. Ông trả lời rất nhanh “Tôi nghiên cứu bằng chim“. Tôi không kìm được, bật cười thành tiếng, bất chợt cảm nhận ở ông cụ nét hài hước và ngộ nghĩnh trẻ thơ.

 

Nhưng câu chuyện của ông hoàn toàn nghiêm túc. Ông bảo “Đất lành chim đậu“.

 

Yêu mến chim từ thuở nhỏ, sau này nghiên cứu sâu về chim, ông hiểu hết thảy nơi nào có con chim gì, loài chim ấy nó di cư, làm tổ ra sao, chim quan trọng như thế nào trong chuỗi sự sống. Thời buổi bom đạn, ai nấy gặp ông đều lấy làm lạ, một người đàn ông nhỏ thó lang thang trên chiến trường bị rải đầy chất độc, vậy mà tay lăm lăm cuốn sổ với cái ống nhòm để tìm chim. Họ đâu biết, những dữ liệu thu thập về sự thay đổi cơ cấu các loài chim hay sự biến mất của chúng đã giúp ông “giải mã” dần dần sự huỷ diệt của chất độc điôxin đối với sự sống tự nhiên.

 

Nơi những cánh rừng bị rải chất độc, cây cối chết khô, chim thú không còn nhưng chuột thì đông khủng khiếp. Cỏ dại um tùm, các loài thiên địch bị tiêu diệt khiến chuột thừa cơ mà sinh con đàn cháu đống. Kho lương quân đội bị chuột phá phách, dịch hạch bùng phát, càng khoét sâu những khốn khó thời chiến.

 

Trong cuốn sổ ghi chép của ông, đã có những dòng chữ ghi nhận rằng có một mối liên quan rất lớn giữa việc Mỹ rải chất độc hoá học và sự diệt vong chết chóc của môi sinh.

 

Cũng là một kỷ niệm vui về chim, có lần ông cùng một nhóm nhà khoa học nước ngoài vào Năm Căn (Cà Mau) khảo sát tình trạng nhiễm chất độc hoá học chiến tranh đối với rừng ngập mặn. Bà con quý mến đãi các nhà nghiên cứu các món đặc sản vùng sông nước. Mấy người bạn nước ngoài thấy ông hào hứng ăn uống trò chuyện bèn rỉ tai hỏi nhỏ “Ở đây nhiễm điôxin sao ông lại ăn tôm cá?“. Ông bảo “Các ông cứ ăn đi, không có điôxin đâu“. Thấy họ còn ngại ngùng, ông mới chỉ ra rừng cây phía xa mà giải thích, chim nó ăn nhiều tôm cá, nó ở đây bao nhiêu năm nay mà vẫn đông đúc thế kia, vẫn khoẻ khắn, làm tổ và sinh con, thì sao nói là có điôxin được. Mấy bác khoa học kia cười gật gù, bấy giờ mới dám ăn nhiệt tình. 

 

Lo cho tương lai – trồng cây đâu có dễ

 

Năm 1983, lần đầu tiên một hội nghị quốc tế về ảnh hưởng của chất độc hoá học chiến tranh diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều nhà khoa học quốc tế cho rằng chỉ vài chục năm, hoặc cùng lắm là năm sáu mươi năm nữa rừng Việt Nam sẽ xanh trở lại, nó sẽ tự hồi sinh như những khoảnh rừng bị bà con vùng cao đốt làm nương rẫy. Gs. Võ Quý nghiêm nghị đáp: “Tôi dám chắc điều đó không bao giờ xảy ra nếu không có sự can thiệp của con người“.

 

  A Lưới và diôxin
  A Lưới sau 25 năm
Vùng đất A Lưới bị hủy diệt bởi chất độc điôxin, sau 15 năm, 30 năm vẫn chỉ là vùng cây cỏ dại (Ảnh: Gs. Võ Quý)

Cái lý ông rất rõ ràng và giản dị, một khi rừng đã trơ trụi cả một vùng rộng lớn thì lấy hạt giống ở đâu ra để rừng tự tái sinh, chưa nói là không còn động vật sẽ thiếu đi “bàn tay tự nhiên” phát tán hạt giống. Hệ vi khí hậu, các điều kiện tự nhiên khác không thuận thì cây cối cũng sẽ không thể mọc trở lại, lúc ấy không ai tin.

 

Song, thực tế đã chứng minh. Đã hơn ba thập kỷ từ khi hoà bình lập lại, rất nhiều nơi dọc đường 9, trên dãy Trường Sơn đến nay rừng vẫn hoang tàn như thể chiến tranh chỉ vừa mới đi qua. Ngay cả nhiều nơi có hơi ấm bàn tay con người, khi con người chưa hiểu rừng, hiểu đất mà ra sức trồng trồng, bón bón, cây cũng chỉ sống thoi thóp rồi tàn lụi. Sự khe khắt, cay nghiệt của những vùng đất nhất quyết không chịu hồi sinh đã khiến biết bao người nản lòng.

 

Đến những năm 1985, sau nhiều lần thất bại, Lâm trường Mã Đà cuối cùng cũng tìm ra lời giải đáp, rằng để tái sinh rừng cần trồng cây mọc nhanh tạo bóng, giữ ẩm cho đất rồi mới trồng xen cây bản địa. Lời giải ấy chẳng xa xôi gì, cũng xuất phát từ chính nhiên nhiên mà ra, nhưng phải mất cả quãng thời gian dài con người mới ngộ ra được. Điều giản dị ấy đến các nhà khoa học thế giới sau này cũng phải trầm trồ thán phục.

 

Gs. Võ Quý bồi hồi tâm sự “Công cuộc hồi sinh vùng đất chết gian khó vô cùng. Những nơi bị rải một vài lần, cây cối còn sót lại thì may ra có cơ hội tái sinh, nơi nào bị rải nhiều lần, cây chết hết, đất xói mòn, cỏ tranh, cỏ Mỹ trùm lên thì cây rừng rất khó mọc trở lại nếu không có tác động của con người.”

 

Ngay cả khi con người cố gắng trồng rừng, nhưng không hiểu hết những đặc điểm của vùng đất bị suy thoái do chất độc hoá học, để chọn các loài cây cho phù hợp thì việc  trồng rừng sẽ khó thành công. Ông ước tính chi phí trồng một khoảnh rừng bị nhiễm chất độc hoá học đắt gấp 10 lần trồng một khoảnh rừng thường. Và có một điều đau đớn hơn, hầu như vùng đất nhiễm điôxin nào cũng còn sót lại bom mìn. Chưa gỡ được bom mìn thì nói gì đến trồng rừng hay cải tạo đất.

 

Niềm vui ở tuổi 80

 

Trong những ngày này, Gs. Võ Quý có một niềm vui lớn. Tôi vinh dự được chia sẻ niềm vui ấy khi nghe ông kể về thành công mới đây của dự án “Nâng cao năng lực cho địa phương về phục hồi và tái sử dụng các vùng đất bị suy thoái do chất độc hóa học tại Quảng Trị” do Trung tâm Tài nguyên và Môi trường (CRES) nơi ông từng quản lý và nay tham gia cố vấn triển khai.

 

Đây là dự án đầu tiên trên cả nước được thực hiện trên quy mô tỉnh. Học viên đủ cả, từ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cho tới chuyên viên kỹ thuật và bà con nông dân.

 

Ông hào hứng kể:  Chưa từng có một chương trình tập huấn nào như vậy cháu ạ. Lớp đầu tiên dành cho cấp quản lý, 41 người tham dự không một ai bỏ giữa chừng, mặc dù kéo dài 10 ngày liên tục. Học xong, hai phần ba học viên xin được tham gia tiếp lớp tập huấn về kỹ thuật. Tất nhiên tỉnh chỉ chọn một số ít được học các lớp tiếp theo.

Xong lớp kỹ thuật, các anh chị ấy lại đăng ký tiếp để được học với các nông dân tiêu biểu. Như vậy là ở khóa cuối cùng, tất cả mọi đối tượng liên quan ngồi lại với nhau, từ anh quản lý cho tới anh nông dân. Họ chủ động nêu ra vấn đề của mình và trao đổi, học hỏi từ nhau. Anh nông dân học được từ anh kỹ thuật và các nhà quản lý, anh quản lý hiểu hơn về cái khó của nông dân và kỹ thuật.

Nhóm chuyên gia chúng tôi chỉ đưa ra vấn đề và tham gia khi thực sự cần thiết, giải đáp những thắc mắc về khoa học hay lý thuyết. Quan trọng là những người ở địa phương họ hiểu được vấn đề của chính địa phương mình, họ được trang bị kỹ năng cần thiết và chủ động muốn thay đổi. Dĩ nhiên, để làm được họ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế”.

 

Được biết, sau chương trình tập huấn của CRES, nhiều học viên là lãnh đạo, chuyên viên, nông dân xuất sắc của tỉnh đã tự mình viết các đề xuất xin dự án triển khai ý tưởng phục hồi và cải tạo vùng đất nhiễm điôxin cho địa phương mình. Và nghe nói, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn thấy bài học quý giá từ người láng giềng cùng cảnh ngộ nạn nhân chất độc hoá học chiến tranh, cũng đang xin dự án làm theo.

 Gs. Vo Quy
Những điều lý giải quá ư bình dị của Gs.Võ Quý giúp tôi chợt nhận ra rằng con người chỉ có thể bảo vệ tự nhiên và đem lại sự hồi sinh khi ta hiểu và tuân theo quy luật của sự sống tự nhiên. (Ảnh: ThienNhien.Net) 

 

Vài lời kết

 

Tôi nghĩ rằng ít ai có được một sự may mắn như Gs. Võ Quý. Tay phải ông nắm chìa khoá cả một kho tri thức về đa dạng sinh học, về những điều đẹp đẽ nhất mà tạo hoá ban tặng cho con người. Còn trên tay trái của ông, cũng là một chiếc chìa khoá tri thức của nhân loại, nhưng khi mở ra người ta sẽ cảm nhận sự đau thương tột cùng về những lầm lỗi chiến tranh, những tội ác mà con người đã gây ra đối với tự nhiên và đối với chính đồng loại của mình.

 

Ở vị thế ấy, ông được chứng kiến và cảm nhận nhiều hơn ai hết những điều tốt đẹp – xấu xa của cuộc đời này. Và điều quan trọng hơn, là ông đã cống hiến, để lấy lại một thứ giản dị như ông nói “cân bằng cho sự sống “.