Hội thảo về phòng chống bệnh vàng lá greening

ThienNhien.Net – Ngày 6/2, tại Tiền Giang, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Điều kiện công bố dịch bệnh vàng lá trên cây có múi (Greening) và chính sách hỗ trợ để phòng chống dịch bệnh Greening “ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo báo cáo của Cục BVTV, toàn vùng ĐBSCL hiện có đến hơn 76 ngàn ha trồng cây có múi; Trong đó, riêng cây cam và quýt chiếm đến 63%, bưởi 33%, chanh 4%… Các loại trái cây này cung cấp cho thị trường khoảng 700 ngàn tấn sản phẩm trái/ năm, đã tạo công ăn việc làm và thu nhập khá cao cho khoảng 240 ngàn nông hộ trong vùng. Thế nhưng, hiện tại, bệnh vàng lá Greening đã và đang gây thiệt hại nặng đến sản xuất của cây có múi vùng ĐBSCL.

Qua điều tra trên tất cả các giống cây có múi đều bị nhiễm bệnh vàng lá greening mà trong đó nặng nhất là trên cây cam soàn, chanh giấy, cam sành và bưởi. Tại vùng ĐBSCL, nhiều vườn cây ở nhiều địa phương (như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp…) có tỉ lệ từ 60%- gần 100% cây có múi trồng trong cùng một diện tích vườn cây đã bị bệnh vàng lá Greenning khiến cây bị chết khô.

Tuy nhiên, mức độ thiệt hại nặng mới chỉ cục bộ ở một số địa bàn xã của một số huyện của các tỉnh vừa được nêu tên trên đây chứ chưa phổ biến đến mức đại trà để công bố dịch. Do vậy, đại đa số các ý kiến của đại diện ngành Nông nghiệp và PTNT của các địa phương đều đề nghị ngành chuyên môn và các cơ quan chức năng của Cục BVTV- Bộ Nông nghiệp và PTNT cần hỗ trợ giống cây sạch bệnh, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giúp các nhà vườn cải tạo lại vườn cây bệnh một cách hiệu quả.

Trong đó, biện pháp trồng cây có múi xen với cây ổi để phòng chống bệnh vàng lá Greenning đã được hội thảo nhất trí đánh giá là đạt hiệu quả cao và khuyến khích nhà vườn trồng cây có múi trong vùng ĐBSCL áp dụng đại trà.