Những cái “bẫy” trên sông nước Cà Mau

Hàng trăm cái cống, vốn một thời là niềm tự hào của Cà Mau, đang bị bỏ hoang phế và trở thành mối đe dọa cho tàu thuyền đi lại trên một vùng kênh rạch chằng chịt.

Theo tài liệu lưu trữ từ Chi cục Thủy lợi, các cống này được xây dựng và đưa vào sử dụng từ cách đây trên 20 năm. Đây là hệ thống cống thuộc chương trình giữ ngọt để các huyện nam Cà Mau trồng lúa. Mục đích là để chống nước mặn xâm nhập, giữ nước ngọt, tiêu úng, xổ phèn, chống tràn…


Hàng trăm cống được xây dựng khắp nơi, qui mô cống rất kiên cố, do Nhà nước đầu tư. Có hai loại cống là cống xây dựng cơ bản và cống thời vụ. Cống thời vụ mỗi cái hàng trăm triệu đồng, còn cống xây dựng cơ bản có giá trị vài tỉ đồng.


Năm 2000, tỉnh Cà Mau chuyển dịch kinh tế vùng nam Cà Mau từ trồng lúa sang nuôi tôm. Do đó, UBND tỉnh có chủ trương qui hoạch lại hệ thống thủy lợi nên hệ thống cống không còn tác dụng trong tình hình chuyển dịch mô hình kinh tế mới.


Hệ thống cống bị bỏ bê, không còn sử dụng. Việc xói lở bờ sông xảy ra nghiêm trọng trong những năm qua đã đẩy các cống này ra giữa lòng sông hoặc nằm án ngữ ngay ngã ba sông. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện có 83 cống đang nằm giữa sông và trải đều ở 7/9 huyện, chỉ có huyện Năm Căn và Ngọc Hiển là không có.


Gây tai nạn cho tàu thuyền


Khi nghe chúng tôi hỏi về những cái cống đang nằm giữa sông, cản trở tàu bè qua lại, anh Tâm – một người dân huyện Cái Nước – lắc đầu nói: “Nhiều tai nạn đã xảy vì những cái bẫy này. Ghe tàu có khi cưỡi thẳng lên cống, có chiếc thì va quẹt.

Người xứ khác tới không quen đường lãnh họa như chơi, nhất là ghe chạy về đêm. Cống lớn thì trồi hẳn lên mặt nước, còn cống nhỏ thì mấp mô trên mặt nước chỉ vài phân, rất nguy hiểm. Vậy mà lâu nay không ai chịu gỡ mấy cái cống này đi”.
Người dân chạy ghe tuyến kênh xáng Độ Cường – Bảy Háp cũng cho biết cứ lâu lâu lại thấy vỏ lãi bị chìm do vướng phải cống ngầm.


Hay gây tai nạn nhất là cống Giao Vàm (xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời). Chỉ riêng cống này đã có ít nhất năm vụ tai nạn, làm chết hai người. Gần đây nhất là vào tháng 09/2007, một chiếc ghe không nhìn thấy cống đã vướng phải và bị chìm đột ngột khiến một người chết. Tuyến kênh Giao Vàm luôn đông tàu ghe qua lại nên những cái bẫy này rất nguy hiểm, luôn chực chờ gây họa cho tàu bè.


Còn ở huyện Cái Nước, anh Nguyễn Thanh Tuấn – đội trưởng đội giao thông – trật tự, nói khá nhiều tai nạn vì ghe tàu đâm phải các cống nằm giữa tuyến kênh xáng Đội Cường (xã Lương Thế Trân) nhưng chưa có vụ nào gây chết người. Tuy nhiên, những cái cống này luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho tàu bè qua lại, bởi đã có không ít vỏ lãi, ghe tàu bị chìm hoặc bị hư hỏng do va quẹt vào các cống.


Chạy dọc trên các tuyến sông vùng nam Cà Mau như Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân… đâu đâu cũng thấy cống nằm giữa sông. Ông Trần Quốc Nam, chi cục phó Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết đã có trường hợp người dân chết do gặp tai nạn, người bị thương thì nhiều, không thể thống kê hết được. “Đây là những cống đã lâu không còn sử dụng, không được sửa chữa. Chúng có thể đổ sập bất cứ lúc nào” – ông Nam nói.


Hiện tại các cống này được phân cấp quản lý theo tuyến sông. Tuyến sông lớn do trung ương quản lý, tuyến sông nhỏ thì phân cấp về tỉnh hoặc huyện. Cống nằm trên tuyến nào đơn vị quản lý tuyến đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng việc quản lý các cống bị thả nổi từ lâu. Mặc dù các cống ngầm như vậy rất nguy hiểm đối với tàu bè qua lại nhưng không được đặt bất kỳ biển cảnh báo nào.


Tháo dỡ trong năm 2008?


Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy tỉnh Cà Mau Bùi Văn Quyền cho biết: “Va quẹt xảy ra nhiều, nhất là ở tuyến huyện. Chúng tôi thấy được sự nguy hiểm này đối với tàu bè tham gia lưu thông, đã nhiều lần kiến nghị gỡ cống nhưng đến nay chưa thấy ai làm”. Theo ông Quyền, toàn tỉnh hiện có trên 99.000 phương tiện thủy, luồng tuyến thì chỉ có Đoạn quản lý đường sông số 14 (trung ương quản lý) làm tốt các phao hiệu, biển báo; luồng tuyến do tỉnh quản lý thì tương đối, còn của huyện chưa được quan tâm đúng mức. Tàu thuyền đông, luồng tuyến quản lý chưa tốt, cộng thêm vô số cống ngầm bị bỏ phế khiến tai nạn giao thông đường thủy gia tăng là điều khó tránh khỏi.


Ông Trần Quốc Nam cho biết Chi cục Thủy lợi Cà Mau là đơn vị quản lý các cống này, đã có những kiến nghị về việc tháo dỡ các cống vì xét thấy chúng không còn tác dụng và không còn phù hợp với qui hoạch hiện tại; đồng thời gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến việc cấp thoát nước trong nuôi trồng thủy sản; đặc biệt là gây trở ngại giao thông đường thủy, đe dọa tính mạng người dân…


“Hiện tại tờ trình của chúng tôi về việc phá dỡ các cống đã được UBND tỉnh chấp thuận. Tổng kinh phí của dự án phá dỡ 83 cống đang nằm giữa sông khoảng 2,6 tỉ đồng. Hồ sơ đấu thầu đang được xúc tiến, chỉ chờ triển khai thôi” – ông Nam nói. Cũng theo ông Nam, thời gian dự kiến hoàn thành có thể vào giữa năm 2008.


Tuy nhiên, đó chỉ mới là dự kiến, còn việc tiến hành cụ thể ra sao, khi nào mới có tiền để gỡ cống thì chưa thể khẳng định. Điều đó cũng có nghĩa những cái bẫy trên sông nước Cà Mau vẫn chực chờ để gây tai nạn cho tàu bè qua lại.