Nhiều sai phạm về quản lý chất thải nguy hại trong quá trình phá dỡ tàu cũ

Trong 3 ngày 10-12/04/2007, Đoàn Thanh tra của Bộ TN&MT đã tiến hành thanh tra 6 công ty phá dỡ tàu cũ trên địa bàn TP. Hải Phòng. Kết quả bước đầu phát hiện các đơn vị này không có bản cam kết bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc quản lý, vận chuyển và xử lý các chất thải nguy hại đều không đúng quy định pháp luật.

Rác và chất thải nguy hại tập kết chung với mặt bằng sản xuất

Sau 3 ngày tiến hành thanh kiểm tra đối với 6 đơn vị: Nhà máy Đóng tàu Phà Rừng, Công ty Công nghiệp tàu thủy Ngô Quyền, Công ty TNHH Quý Hải, Công ty CP Thương mại Duy Linh, Công ty CP thương mại Bến Nước, Công ty Thương mại Nam Ninh, ghi nhận chung của đoàn thanh tra là các cơ sở chưa có nơi thu gom, xử lý chất thải đúng Luật Bảo vệ môi trường, tập kết rác thải chung với mặt bằng phá dỡ, duy nhất có doanh nghiệp Bến Nước không còn mặt bằng sản xuất vì đã ngừng hoạt động từ tháng 7/2006. Do đó, khi phá dỡ tàu, dầu cặn trong thân tàu và các loại rác thải khác sẽ vương vãi, loang trên bề mặt, tạo thành những khoảnh đất chết khi dầu ngấm xuống.

Sáng 11/04, khi Đoàn Thanh tra làm việc với Công ty Quý Hải, ông Nguyễn Xuân Quý – Giám đốc Công ty cho biết: “Rác thải sinh hoạt được thu gom rồi ký hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng để vận chuyển đến nơi quy định. Riêng rác thải công nghiệp được bán thanh lý cho các cơ sở làm chất đốt, bê tông tái sử dụng làm vật liệu san lấp, bông thủy tinh bán cho các nơi làm vật liệu cách nhiệt… Đối với chất thải nguy hại như dầu thải sẽ bán cho các đơn vị làm nhiên liệu đốt lò xi măng và nấu thép…”. Tuy nhiên, khi kiểm tra hiện trường, phát hiện nhiều gỉ sắt đã tạo thành mùn trộn lẫn với đất nằm ngổn ngang ngay tại nơi sản xuất. Những ô đất khoảng 1,5m2 đến 2m2 bị ngấm dầu đen ngòm. Ngoài ra, còn nhiều giẻ dầu, xốp, bông thủy tinh… vẫn tồn trên bãi. Một số công nhân làm việc tại bãi nói, giẻ lau dầu máy được thu gom, đốt tự nhiên ngay tại mặt bằng sản xuất. Ông Hoàng Văn Vy, Phó trưởng phòng Phòng Thanh tra Môi trường và Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) – Trưởng đoàn khẳng định: “Các loại chất thải nguy hại của đơn vị được bán cho những đơn vị không có chức năng thu gom, xử lý theo Luật Bảo vệ môi trường. Việc này cho thấy, họ đã không thực hiện đăng ký chủ nguồn thải các chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố”.

Những sai phạm trên đều xảy ra tương tự với các doanh nghiệp khác. Theo biên bản được Đoàn Thanh tra lập, các Công ty đều chưa có cam kết bảo vệ môi trường khi tiến hành hoạt động phá dỡ mà chỉ có phương án phá dỡ với từng con tàu khi nhập cảng. Điều đáng nói là các bãi phá dỡ đều nằm ven bờ sông Cấm, nên việc ảnh hưởng đến lưu vực sông là khó tránh khỏi, dù chưa có kết luận chính thức là rò rỉ dầu, nhưng tại thời điểm thanh tra thấy có váng dầu loang ở mặt nước ven sông. Riêng Công ty Công nghiệp tàu thủy Ngô Quyền còn kinh doanh thêm khí ôxy, nitơ. Cống nước thải của Công ty này được đổ chung vào nguồn nước thải của các hộ dân xung quanh, rồi nhập vào sông Cấm.

Thân, vỏ tàu nhập về chưa được làm sạch dầu mỡ…

Đa số tàu phá dỡ được các Công ty nhập về từ Liên bang Nga, Ba Lan, Đức… Tuy nhiên, thời điểm Đoàn tiến hành thanh tra thì 1 Công ty đã ngừng sản xuất, 4 Công ty đã không nhập thêm tàu mà chỉ phân loại, xử lý các phế liệu còn lại, duy có doanh nghiệp Quý Hải vẫn đang phá dỡ 2 thân vỏ tàu. Một thân, vỏ tàu tên Viktor Streltsov thông quan ngày 16/2/2007 đã phá dỡ được 30% vẫn neo ven dòng sông Cấm, thân vỏ tàu khác tên Alksnine thông quan ngày 18/9/2006 đã phá dỡ được 80% và chuyển lên bãi cạn.

“Theo quy định của pháp luật, các thân vỏ tàu cũ có chứa nhiều chất thải nguy hại. Vì vậy khi đưa về Việt Nam thì các doanh nghiệp phải làm sạch”, ông Vy cho biết. Song, khi kiểm tra hiện trường tàu Viktor Streltsov thì vẫn còn một số bộ phận máy móc, sắt thép, bông thủy tinh, xốp cách nhiệt dính dầu mỡ, chưa được phân lọc sạch. Theo báo cáo mà Giám đốc Nguyễn Xuân Quý cung cấp, lượng dầu mỡ thải được thu hồi từ tàu Viktor Streltsov khoảng 2,2 tấn. Tuy nhiên, đánh giá này không thể chính xác, vì quan sát trực quan, tại bề mặt phá dỡ của Công ty còn nhiều vết dầu loang và không thể tính được lượng dầu này.

Bên cạnh việc kiểm tra hiện trường, Đoàn thanh tra đã lấy mẫu các nguồn chất thải của 5 doanh nghiệp (không lấy mẫu đối với Công ty Bến Nước vì không có mặt bằng sản xuất). Ông Hoàng Văn Vy cho biết: “Thời gian tới Đoàn sẽ thanh kiểm tra ở một số cơ sở tỉnh Phú Thọ. Riêng các cơ sở phá dỡ tàu cũ cảng Hải Phòng, Đoàn sẽ có kết luận chính thức về mức độ vi phạm và xử lý trong 2 ngày 02 và 03/05 tới”.