Bộ NN&PTNT đề xuất thí điểm đấu giá gần 5 triệu tấn các-bon

Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng đề xuất WB giới thiệu đối tác tiềm năng mua lượng giảm phát thải này theo phương thức đã thực hiện tại ERPA đã ký…

Trong báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề̀ xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư giai đoạn 2018-2019.

Cụ thể, tháng 10 năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) có thư gửi Bộ NN&PTNT xác nhận kết quả giảm phát thải tạo ra từ báo cáo kỳ 1 đạt 16,21 triệu tấn các-bon (CO2). Kết quả này đã đủ để chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo thoả thuận ký trước đó. Mỗi tấn CO2 có giá chuyển nhượng 5 USD, số tiền thu về tương đương 1.250 tỷ đồng.

Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 này, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 giai đoạn 2018-2019. Bộ NN&PTNT đề xuất chuyển thêm 1 triệu tấn CO2 cho WB. Số còn lại, Bộ này muốn Thủ tướng đề xuất WB giới thiệu đối tác tiềm năng mua lượng giảm phát thải này theo phương thức đã thực hiện tại ERPA đã ký, hoặc hỗ trợ Việt Nam kết nối thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế. Bởi thời điểm này, Việt Nam khó tìm đối tác để trao đổi thương mại khi mảng này còn khá mới.

Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 này, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 giai đoạn 2018-2019. Bộ NN&PTNT đề xuất chuyển thêm 1 triệu tấn CO2 cho WB (Ảnh: Hữu Thắng).

Nếu được chấp thuận thí điểm đấu giá, Thủ tướng cần giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan xây dựng phương án.

Hiện nay, mức giá các-bon trên thị trường tự nguyện của thế́ giới dao động 2-4 USD một tấn CO2, trong đó mức giá các-bon của lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất năm 2021 đạt 3,07 USD một tấn. Theo trang carboncredits.com cập nhật, mức giá các-bon của hệ sinh thái tự nhiên ngày 5/3 đạt 1,57 USD một tấn CO2.

Ngoài ra, thông tin từ Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh tín chỉ các-bon do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ các-bon thông qua trồng và tái tạo rừng. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác các-bon Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới.

Đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từng có từ Quỹ FCPF cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh và chất lượng cao. Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng, được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi được xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia.

Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc. Điều này cần huy động mọi nguồn lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo, trong đó phát triển thị trường các-bon được coi là nguồn lực hữu hiệu và khả thi.