Gia Lai đề nghị giữ 4.800ha đất rừng

Ngày 30.1, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, Tỉnh ủy Gia Lai đã đề nghị Bộ NN& PTNT việc không chuyển đổi diện tích gần 4.800ha đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp để thực hiện dự án vùng tưới cho đại thủy nông Ia Mơr. Đề nghị này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai thông qua vào tháng 1.2024.

Gần 4.800ha rừng ở Ia Mơr sẽ được phục hồi, bảo vệ. Ảnh: THANH TUẤN

Giữ nguyên gần 4.800ha đất có rừng tự nhiên giáp biên giới

Theo ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, nguyên nhân không chuyển đổi được là do cơ chế chính sách thay đổi. Gia Lai sẽ đề xuất nhiều giải pháp khác nhằm tăng diện tích vùng tưới cho hồ thủy lợi Ia Mơr có vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng. Như vậy, 4.800ha đất lâm nghiệp, trong đó có rừng tự nhiên sẽ được giữ gìn, bảo vệ và phục hồi và đưa vào quy hoạch 3 loại rừng theo Luật Lâm nghiệp năm 2017 để quản lý, bảo vệ đúng quy định.

Từ năm 1995 đến năm 1998, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu đầu tư dự án hồ chứa nước Ia Mơr.

Năm 2005, Bộ NN&PTNT đã tổ chức triển khai dự án và phê duyệt dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr, nhằm biến nơi đây thành vùng trọng điểm nông nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề lương thực cho Gia Lai, Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Quy mô xây dựng hồ chứa Ia Mơr dung tích 177,8 triệu m3. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đến nay hệ thống công trình thủy lợi Ia Mơr đang phục vụ tưới 3.170ha. Đến 2025 đảm bảo tưới cho diện tích 5.449ha đất canh tác. So với nhiệm vụ dự án ban đầu, diện tích đất canh tác được tưới trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt khoảng 52% (5.449ha/10.347ha).

Để dự án 3.000 tỉ đồng phát huy tối đa hiệu quả theo công năng, thiết kế, nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp cùng huyện Chư Prông, Ban quản lý Đầu tư xây dựng Thủy lợi 8 tổ chức khảo sát, xác định sơ bộ các vùng tưới có khả năng chuyển đổi (không ảnh hưởng đến diện tích đất có rừng tự nhiên).

Với diện tích còn lại khoảng 3.664ha trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông Dương Mah Tiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – đã trực tiếp đi kiểm tra thực địa và thống nhất đề xuất đầu tư tạo nguồn đến sát diện tích cho khu tưới thuộc diện tích cây caosu kém phát triển để chuyển đổi cây trồng khác của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 15 – Chi nhánh 710, Công ty TNHH MTV caosu Chư Păh và Công ty TNHH MTV caosu Chư Sê thống nhất tự bố trí kinh phí tự đầu tư công trình thủy lợi (trạm bơm tưới, hệ thống kênh cấp dưới…) và có thể mở rộng diện tích khu tưới rộng hơn diện tích đã xác định nếu có nước tạo nguồn từ hồ thủy lợi Ia Mơr.

Như vậy, tổng diện tích tưới từ công trình thủy lợi Ia Mơr trên địa bàn tỉnh Gia Lai (không ảnh hưởng đến diện tích đất có rừng tự nhiên phải chuyển đổi) sau khi rà soát ít nhất là: 8.500ha/8.500ha.

Sẽ không để đại dự án 3.000 tỉ đồng lãng phí

Gia Lai cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cho phép (hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép) điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án phù hợp với vùng tưới đề xuất chuyển đổi.

Đề xuất bộ tiếp tục làm chủ đầu tư, tổ chức thuê đơn vị tư vấn khảo sát, đề xuất cụ thể giải pháp công trình, xác định kinh phí. Ưu tiên bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 của bộ để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kênh nhánh, hệ thống bơm tưới trọng lực cũng như xây dựng hệ thống kênh nội đồng, khai hoang xây dựng đồng ruộng, đảm bảo đồng bộ từ công trình đầu mối đến thủy lợi nội đồng…

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, hiện nay dự án đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho gần 2.500 hộ dân trong vùng hưởng lợi của dự án.

Đồng thời, đời sống người dân được nâng lên, năng suất cây trồng tăng gấp 1,5 lần so với canh tác thông thường, diện tích lúa 2 vụ đạt trung bình 5 tấn/ha (cá biệt có diện tích đạt 7 tấn/ha) và góp phần phát triển ngành nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản của nhân dân trong vùng dự án.

Việc đầu tư hệ thống giao thông và hệ thống kênh mương góp phần trong việc xây dựng xã Ia Lâu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Hệ thống kênh chính và kênh cấp I thuộc công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr cũng đã phát huy hiệu quả bước đầu, phục vụ tưới cho diện tích canh tác của người đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Khôi, làng Náp (với 143 hộ) ổn định đời sống (trước đây chỉ canh tác 1 vụ, không chủ động nguồn nước). Đến nay người dân ở đây đã sản xuất lúa nước 2 vụ và tiến tới chuyên 4 canh sản xuất tập trung, góp phần ổn định đời sống.

Nhà máy Thủy điện Ia Mơr với công suất 1,2MW, tận dụng nguồn nước điều tiết tưới (dòng chảy phát điện trả về kênh chính để phục vụ tưới) đi vào hoạt động từ đầu năm 2019 đã bổ sung góp phần ổn định hệ thống điện lưới quốc gia và khu vực dự án. Đến nay, 100% thôn làng khu vực dự án đã được phủ lưới điện sinh hoạt.

Như Báo Lao Động phản ánh, kể từ khi có chủ trương sẽ chuyển đổi hàng nghìn hécta diện tích đất rừng để thiết kế làm vùng tưới tiêu cho đại thủy nông Ia Mơr, tình trạng khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất đai ở Ia Mơr diễn biến phức tạp. Trong quá trình chờ chuyển đổi thành đất nông nghiệp, gần 4.800ha rừng tại đây bắt đầu tái sinh xanh tốt và hình thành vùng sinh thái lâm sinh mới. Nhiều khu vực cây rừng đã lớn, có đường kính từ 20-50cm.