Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội: Chăm sóc tốt 6 cá thể hổ mới tiếp nhận

Một hộ dân ở tỉnh Thái Nguyên đã tự nguyện bàn giao 6 cá thể hổ cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc, bảo tồn. Đến nay, sau hơn 2 tháng được chăm sóc đặc biệt, các cá thể hổ đã hòa nhập tốt và phát triển khỏe mạnh. Với 6 cá thể hổ tiếp nhận thêm, trung tâm sẽ là “ngôi nhà chung” chăm sóc 41 cá thể hổ.

Các cá thể hổ được chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Xuân Hồng

Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam thông tin, năm 2007, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện gia đình ông Nguyễn Khắc Thường ở tổ 5, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên nuôi nhốt 6 cá thể hổ. Nhận thấy việc nuôi nhốt hổ là hoạt động trái phép, bị pháp luật nghiêm cấm, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời giao gia đình ông Thường tiếp tục nuôi các cá thể hổ trên vì mục đích bảo tồn, nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Khắc Thường bộc bạch: “Tôi nuôi 6 cá thể hổ từ lúc còn nhỏ, nên rất yêu quý chúng. Tuy nhiên, do sức khỏe không bảo đảm, lại được các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, nên tôi giao lại các cá thể hổ này cho Nhà nước với mong muốn chúng được chăm sóc, bảo vệ ở điều kiện tốt nhất”.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Bùi Thị Hà cho biết, việc gia đình ông Thường tự nguyện bàn giao hổ cho cơ quan chức năng chăm sóc là đáng trân trọng. Bởi, hoạt động nuôi thí điểm bảo tồn hổ tại một số hộ dân được thực hiện từ năm 2007 đến nay, không mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài một số trường hợp đã tự nguyện chuyển giao hổ cho Nhà nước như gia đình ông Thường, hiện vẫn còn một số cơ sở tư nhân nuôi nhốt hổ không có nguồn gốc hợp pháp trong chương trình thí điểm bảo tồn này.

Trung tâm Giáo dục thiên nhiên hy vọng, các cơ quan có thẩm quyền sớm quyết định việc xử lý các cá thể hổ nuôi thí điểm sau khi hoàn thành đánh giá theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp xử lý dứt điểm hoạt động thí điểm này trong thời gian sớm nhất.

Theo thống kê, tính đến tháng 6-2023, số lượng hổ nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân có đăng ký trên cả nước (trang trại và vườn thú tư nhân) khoảng 300 cá thể, tăng gần 6 lần so với số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký được ghi nhận tại Việt Nam năm 2007. Qua quá trình đánh giá hoạt động nuôi nhốt hổ và các loài động vật hoang dã tại các cơ sở này trong những năm qua, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên nhận thấy, về cơ bản, các cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số trường hợp đang “núp bóng” các cơ sở nuôi động vật hoang dã để thực hiện hoạt động buôn bán hổ trái phép.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, hổ là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, với cấp độ bảo vệ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Mọi hành vi săn bắt, giết thịt, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể hổ, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của cá thể hổ sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, với án phạt lên đến 15 năm tù giam.

Để nuôi hổ vì mục đích giáo dục hay bảo tồn cần phải được cơ quan chức năng cấp phép, có đội ngũ cán bộ nhiều kinh nghiệm, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, thú y, phúc lợi phù hợp. Thực tế, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đáp ứng đầy đủ các điều kiện này. Bởi, hiện nay trung tâm đang chăm sóc, bảo tồn tốt cho 35 cá thể hổ và hàng nghìn động vật rừng khác.

Do vậy, 6 con hổ người dân tự nguyện bàn giao về trung tâm đầu tháng 6-2023 đã được nuôi nhốt riêng, cho ăn hằng ngày để tạo thói quen, không làm chúng bị stress… Chế độ chăm sóc này được trung tâm duy trì trong 3 tháng để cả 6 cá thể hổ thích nghi môi trường mới, ăn uống ổn định và phục hồi nhanh thể trạng. Giai đoạn tiếp theo, trung tâm sẽ theo dõi sức khỏe và tiêm vắc xin phòng bệnh cho từng con hổ; sau đó là phục hồi tập tính tự nhiên, như giấu thức ăn để chúng tự đi tìm, thả ra khu vui chơi để tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên…