WMO: Hiện tượng ấm lên toàn cầu tại châu Âu nhanh hơn so với các nước khác

Báo cáo mới của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Chương trình Quan sát Trái đất của Liên minh châu Âu Copernicus cho thấy trong 30 năm, châu Âu đã trải qua thời kỳ ấm lên gấp đôi mức trung bình toàn cầu, và dường như là châu lục bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Sự tồn tại của hiện tượng này dẫn đến các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và các tác động ngoại lệ khác sẽ ảnh hưởng đến xã hội, nền kinh tế và hệ sinh thái.

Các chuyên gia của WMO quan sát thấy nhiệt độ ở châu Âu đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn 1991 – 2021, với mức ấm lên khoảng +0,5°C mỗi thập kỷ. Kết quả là, các sông băng trên núi cao mất độ dày 30m trong giai đoạn 1997-2021. Trong khi đó, tảng băng ở Greenland đang dần tan chảy, góp phần đẩy nhanh mực nước biển dâng. Trong suốt mùa hè năm 2021, Greenland đã trải qua một đợt tan chảy và vì lần đầu tiên, lượng mưa được ghi nhận tại điểm cao nhất, trạm Summit.

WMO: Hiện tượng ấm lên toàn cầu tại châu Âu nhanh hơn so với các nước khác
Các chỏm băng ở Greenland đang tan nhanh. (Ảnh: UN)

Trong năm 2021, báo cáo của WMO và Copernicus tập trung vào các hiện tượng thời tiết và khí hậu có tác động lớn, chủ yếu là bão lũ, đã làm hàng trăm người chết, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn nửa triệu người và gây thiệt hại kinh tế trên 50 tỷ USD.

Các thảm họa có nguồn gốc khí tượng, thủy văn và khí hậu sẽ gia tăng

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: Châu Âu mang đến hình ảnh sống động về một hành tinh đang nóng lên. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả những xã hội được chuẩn bị tốt cũng không tránh khỏi hậu quả của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Năm nay, cũng như năm 2021, các khu vực rộng lớn của lục địa đã trải qua các đợt nắng nóng kéo dài và hạn hán, làm bùng phát các đám cháy rừng. Vào năm 2021, lũ lụt đặc biệt đã gây ra chết chóc và tàn phá.

Theo dự báo được trình bày trong Báo cáo đánh giá lần thứ sáu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), thiên tai có nguồn gốc khí tượng, thủy văn và khí hậu được dự báo sẽ gia tăng trong tương lai. Bất kể sự tiến triển của hiện tượng ấm lên toàn cầu có như thế nào thì ở tất cả các khu vực của châu Âu, có khả năng nhiệt độ tăng sẽ tiếp tục vượt quá mức trung bình toàn cầu. Tần suất và cường độ của các hiện tượng nắng nóng cực đoan đã tăng lên trong những thập kỷ qua và theo dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục bất kể kịch bản được xem xét đối với diễn biến của phát thải khí nhà kính. Các ngưỡng tới hạn được thiết lập cho hệ sinh thái và con người thậm chí còn được dự đoán sẽ vượt quá trong trường hợp trái đất nóng lên từ 2°C trở lên. Lượng mưa được dự báo sẽ giảm vào mùa hè ở khu vực Địa Trung Hải và xa hơn về phía Bắc. Nếu sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5°C thì lượng mưa cực đoan và lũ lụt do bão dự kiến sẽ gia tăng ở tất cả các khu vực ngoại trừ Địa Trung Hải.

Vô số tác động đến sức khỏe của người dân

Báo cáo nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu và sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là các đợt nắng nóng, có vô số tác động đến sức khỏe của người dân châu Âu, đặc biệt là tình trạng gia tăng các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và các bệnh lây truyền do thức ăn, nước uống hoặc các vật trung gian khác nhau, cũng như các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Các đợt nắng nóng vẫn là hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm nhất tại châu lục này, đặc biệt là ở Tây và Nam Âu, và sự kết hợp của biến đổi khí hậu, đô thị hóa và dân số già sẽ tiếp tục làm gia tăng tính dễ bị tổn thương với nắng nóng.

Một vấn đề khác như: Tác động của biến đổi khí hậu đối với phấn hoa và bào tử đang gây ra sự gia tăng các bệnh dị ứng, ảnh hưởng đến hơn 24% người lớn ở châu Âu, và cũng gây ra các dạng hen suyễn nghiêm trọng. Tỷ lệ này ở trẻ em trong khu vực là 30-40% và tiếp tục tăng. Biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng đến sự phân bố của các bệnh do véc-tơ truyền, chẳng hạn như bọ ve có thể lây lan bệnh Lyme và viêm não do ve.

Theo Văn phòng khu vực châu Âu của WHO, trong năm 2019, khoảng 500.000 ca tử vong sớm cũng bắt nguồn từ ô nhiễm không khí xung quanh vì các hạt mịn do con người gây ra, một tỷ lệ đáng kể trong số đó đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Báo cáo ước tính rằng mỗi năm có thể tránh được khoảng 138.000 ca tử vong sớm bằng cách giảm lượng khí thải carbon, giúp tiết kiệm từ 244 tỷ đến 564 tỷ USD.

Trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu hơn người lớn cả về thể chất và tâm lý. Theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Trẻ em (CCRI) của UNICEF, gần 125 triệu trẻ em châu Âu sống ở các quốc gia có nguy cơ “trung bình đến cao” (mức thứ ba trong số năm phân loại được áp dụng trên toàn thế giới).

Cơ sở hạ tầng và người dân vẫn còn kém thích nghi

Theo báo cáo của WMO và Copernicus, các hệ sinh thái cũng đang bị hủy hoại do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Phần lớn thiệt hại vì cháy rừng gây ra là do các hiện tượng cực đoan mà cả hệ sinh thái và quần thể đều không thích nghi được. Biến đổi khí hậu và hành vi của con người đang tạo những điều kiện có lợi cho việc nhân rộng, gia tăng và làm trầm trọng hơn các đám cháy ở châu Âu, với những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-xã hội và sinh thái.

Thêm vào đó, nhiều cơ sở hạ tầng giao thông cũng bị đe dọa vì chúng được xây dựng để chống chọi với điều kiện thời tiết ít khắc nghiệt hơn nhiều vào thời điểm đó.

Mặc dù vậy, báo cáo cũng nêu rõ, châu Âu có rất nhiều lợi thế khi đối mặt với những mối nguy hiểm này. Tại Liên minh châu Âu, lượng phát thải khí nhà kính đã giảm 31% trong giai đoạn từ năm 1990 – 2020 nhờ các chính sách của một số quốc gia, trong khi mục tiêu là giảm ròng 55% vào năm 2030. Châu Âu cũng là một trong những khu vực tiên tiến nhất trong hợp tác xuyên biên giới để thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các lưu vực sông xuyên quốc gia. Nó cũng được minh họa bởi tính hiệu quả của các hệ thống cảnh báo sớm: khoảng 75% dân số được bảo vệ. Và bất chấp tác động của các đợt nắng nóng, các kế hoạch hành động chống lại hiện tượng thời tiết này cũng đã cứu sống được nhiều người.