Biến đổi khí hậu hé mở “lỗ hổng” an ninh lương thực Trung Quốc

Thời tiết cực đoan ở Trung Quốc đang gây ra những tác động khó lường tới một vấn đề thiết yếu của Bắc Kinh – an ninh lương thực.

Hạn hán nghiêm trọng đang tác động nặng nề đến các vụ lúa của Trung Quốc

Trong cuốn “Những tù nhân của Địa lý”, học giả Tim Marshall đã chỉ ra một thách thức ngàn năm của Trung Quốc – an ninh lương thực. Quả thực, nuôi sống 1,4 tỷ người là một bài toán nan giải đối với bất cứ quốc gia nào. Và trong thời đại của biến đổi khí hậu, gánh nặng đó đang càng thêm nặng nề.

Năm nay, nắng nóng đang đến sớm hơn tại vùng trồng ngô miền Bắc Trung Quốc. Hạn hán đang trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở Trung Quốc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng ngô trong năm nay.

Trong khi đó, tỉnh Hà Nam miền Trung đất nước – khu vực sản xuất 1/4 lượng lúa mỳ của Trung Quốc – đang đối mặt với những cơn lũ nhấn chìm các đồng ruộng. Ở những nơi khác, sóng nhiệt diện rộng đã khiến cá, lợn và thỏ chết hàng loạt. Một chuyên gia đã nhận định “thời tiết khắc nghiệt đang tấn công nông dân Trung Quốc từ mọi phía”.

Trong nhiều năm qua, một trong những thành công lớn nhất của Trung Quốc là giúp cho hơn 1 tỷ con người có đủ “cơm ăn áo mặc”. Kể từ nạn đói những năm 1950, Bắc Kinh đã có những tiến bộ vượt bậc về an ninh lương thực. Năm 2022, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ước tính Trung Quốc nắm giữ khoảng 69% trữ lượng ngô, 60% gạo, 51% lúa mì và 37% đậu tương của thế giới.

Nhiệt độ cao kỉ lục được ghi nhận tại nhiều nơi tại Trung Quốc thời gian qua

Bên cạnh việc tăng cường mua dự trữ lương thực trên thế giới, chính quyền Bắc Kinh cũng làm nhiều cách để tự cung tự cấp lương thực nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này đang gặp rào cản không nhỏ trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt.

Với các loại ngũ cốc – thực phẩm chủ yếu của người Trung Quốc, hạn hán gia tăng có thể làm giảm 8% sản lượng ngô, lúa mì và gạo vào năm 2030, theo nghiên cứu do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tài trợ.

Để chống chọi với nắng nóng, các nhà khoa học đang nghiên cứu các giống lúa gạo, lúa mì hay cây trồng chịu hạn và chịu nhiệt mới. Ví dụ, việc trồng ngô biến đổi gen đã được cho phép ở một số khu vực.

Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề mà các nhà lập pháp Trung Quốc thận trọng. Họ vẫn chưa tự chủ được về mặt công nghệ và phải phụ thuộc nhiều vào hạt giống biến đổi gen từ các quốc gia như Argentina hay Mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ các nước này thường xuyên cáo buộc Trung Quốc ăn cắp các sản phẩm trí tuệ và các sức ép khác.

Trong khi đó, rau và trái cây là loại thực phẩm không dễ bảo quản như thóc gạo. Các cơn mưa lớn hoặc hạn hán kéo dài dễ dàng phá hủy các cánh đồng rau màu hoặc khiến chúng trở nên khó bảo quản trong thời gian dài. Năm ngoái, một đợt hạn hán nghiêm trọng ở miền nam Trung Quốc đã khiến giá dưa chuột và rau tăng đột biến. Chưa kể tới các đàn gia súc cũng ngày càng nhạy cảm với thời tiết thất thường. Theo các nghiên cứu, ở ngoài trời nắng nóng, lợn béo chậm hơn, bò sản xuất ít sữa hơn và gà đẻ ít trứng hơn…

Lũ lụt cũng góp phần phức tạp hóa an ninh lương thực của Trung Quốc

Cuối cùng là đất đai trồng trọt cũng đang gây đau đầu chính quyền trước tác động của biến đổi khí hậu. Dù chiếm khoảng 20% dân số thế giới nhưng Trung Quốc chỉ có khoảng 7% diện tích đất canh tác toàn cầu. Trong những thập kỷ gần đây, khi nền kinh tế phát triển kéo theo đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp vốn đã ít nhưng đang ngày càng bị thu hẹp.

Năm 2006, Bắc Kinh đã đặt ra “lằn ranh đỏ” để dành ít nhất 120 triệu ha đất canh tác cho nông nghiệp. Thế nhưng, sau 17 năm, công nghiệp hóa và đô thị hóa đã đẩy nhanh việc mất đất trồng trọt. Đất từng được canh tác giờ bị bỏ hoang, và các loại cây công nghiệp đang được ưa chuộng hơn ngũ cốc và các loại đậu.

Vào năm ngoái, báo chí Trung Quốc đã cảnh báo về chất lượng đất và độ màu mỡ của nhiều vùng đang trở nên kém đi. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu có thêm 6,66 triệu ha “đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao” được bổ sung, nhưng mục tiêu đó dường như ngày càng xa vời với tác động liên tục của thời tiết cực đoan trong năm nay.

Khi nền sản xuất trong nước gặp vấn đề, Trung Quốc vẫn đang phải dựa vào nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước. Tuy nhiên, những yếu tố bên ngoài cũng đang trở nên bất lợi – như chiến sự Nga – Ukraine và lạm phát toàn cầu – đang đặt thêm những bài toán khó cho an ninh lương thực của nền kinh tế số 2 thế giới.