30% dân số toàn cầu có thể phải di cư vì biến đổi khí hậu

Theo chuyên gia khí hậu học người Nga Alexei Kokorin, trong kịch bản biến đổi khí hậu xấu nhất, gần 3 tỷ người – tương đương khoảng 30% dân số thế giới – sẽ phải di cư do vấn đề khí hậu.

Đợt nắng nóng kéo dài tiếp tục hoành hành ở miền Nam nước Mỹ ngày 27/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà khí hậu học người Nga Alexei Kokorin ngày 2/7 cho rằng theo kịch bản biến đổi khí hậu xấu nhất, gần 3 tỷ người – tương đương khoảng 30% dân số thế giới – sẽ phải di cư vì vấn đề khí hậu vào cuối thế kỷ này.

Còn trong kịch bản tốt nhất, ông Kokorin cho hay sẽ có 10% người phải di cư vì lý do tương tự.

Chuyên gia Kokorin cho rằng nỗ lực của các quốc gia nhằm đạt được mức trung hòa carbon sẽ giúp tránh được kịch bản tiêu cực.

Nhưng ngay cả khi các sự kiện diễn ra thuận lợi, một phần dân số thế giới sẽ buộc phải di cư do thiếu nước sạch.

Trung hòa carbon là một trong những điều kiện để thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dự định đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, với Nga và Trung Quốc là vào năm 2060, còn Ấn Độ là vào năm 2070.

Ông Kokorin cũng cho rằng người Nga về hưu bắt đầu tính đến biến đổi khí hậu khi chọn nơi sinh sống.

Ông chỉ ra những khu vực của Nga hiện nổi tiếng là có cuộc sống thân thiện với khí hậu.

Một ví dụ minh họa là những người từ Chukotka trước đây từng cố gắng đến vùng Krasnodar khi họ nghỉ hưu.

Trong những năm gần đây, họ lại đến các tỉnh Omsk và Novosibirsk khi Krasnodar giờ đây quá nóng đối với họ. Điều đó cho thấy con người đã điều chỉnh nơi cư trú của họ vì khí hậu.

Theo ông Kokorin, nhiệt độ mùa Hè ở Krasnodar có thể tăng lên trên 40°C, mức có hại cho những người lớn tuổi đã sống ở miền Bắc trong nhiều năm.

Hồi tháng Sáu, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc đã dự báo rằng trong vòng 5 năm, nhiệt độ toàn cầu có thể đạt mức cao kỷ lục.

Điều này là do hoạt động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và sự thay đổi pha của các dòng hải lưu từ La Niña sang El Nino.

Theo WMO, có 66% khả năng nhiệt độ bề mặt toàn cầu hàng năm sẽ tăng cao hơn 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Đây sẽ là lần đầu tiên lịch sử nhân loại ghi nhận mức tăng cao như vậy.

Ngoài ra, có 98% khả năng là ít nhất 1 trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ nóng nhất từng được ghi nhận.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: “Hiện tượng El Nino dự kiến sẽ phát triển trong những tháng tới và điều này sẽ kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra để đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có.”

“Điều này sẽ gây ra những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường,” ông Petteri Taalas nói.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã nâng cảnh báo thời tiết nắng nóng lên màu đỏ (mức cao nhất trong thang cảnh báo gồm 4 màu), khi phần lớn các khu vực trong thành phố có nhiệt độ trên 40 độ C. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thông thường, El Nino làm tăng nhiệt độ toàn cầu vào năm sau khi nó phát triển và trong trường hợp này, có nghĩa là năm 2024, thế giới sẽ phải hứng chịu những tác động của nó.

Có 98% khả năng ít nhất một trong năm năm tới, nhiệt độ trên Trái Đất sẽ phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào năm 2016, thời điểm xuất hiện hiện tượng El Nino cực kỳ mạnh.

Báo cáo này của WMO không có nghĩa là nhiệt độ của Trái Đất sẽ vĩnh viễn vượt quá mức 1,5°C được quy định trong Thỏa thuận Paris, vốn đề cập đến sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, WMO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta sẽ tạm thời vi phạm mức 1,5°C với tần suất ngày càng tăng.

Khả năng tạm thời vượt quá 1,5°C đã tăng đều đặn kể từ năm 2015, khi nó gần bằng không. Trong các năm từ 2017 đến 2021, có 10% cơ hội vượt quá.

Thỏa thuận Paris đặt ra các mục tiêu dài hạn để hướng dẫn tất cả các quốc gia giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này ở mức 2°C đồng thời theo đuổi các nỗ lực hạn chế mức tăng hơn nữa đến 1,5°C, để tránh hoặc giảm các tác động bất lợi và các tổn thất, thiệt hại liên quan.