Mỹ chi hàng chục tỷ USD để thu hẹp “dấu chân khí hậu”

19,5 tỷ USD sẽ được chi riêng cho các nỗ lực “giảm, thu giữ, tránh hoặc cô lập khí thải các bon dioxide, metan hoặc nitơ oxit”.

Nông nghiệp đóng góp vào khoảng 10% lượng phát thải khí nhà kính tại Mỹ. Ảnh: New York Times.

Theo số liệu chính thức của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, nông nghiệp đóng góp vào khoảng 10% lượng phát thải khí nhà kính tại Mỹ, ít hơn so với lượng phát thải từ giao thông vận tải (28%), năng lượng điện (25%) và công nghiệp (23%). Tuy nhiên, khí thải nông nghiệp rất khó đo lường và chắc chắn đang bị đánh giá thấp. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố như nhiên liệu hóa thạch được sử dụng trong thiết bị nông nghiệp, sự thâm hụt các bon tích tụ trong đất khi đồng cỏ và thảm thực vật được chuyển đổi thành đất trồng cây hoa màu và khí metan từ phân tích tụ trong đầm phá và bùn từ các hoạt động chăn nuôi động vật lớn, từ đó dấu chân khí hậu ngày càng lớn hơn.

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Tổng thống Joe Biden ký hồi năm 2022 đã dành 19,5 tỷ USD nhằm thu hẹp dấu chân khí hậu thông qua các chương trình bảo tồn của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Xét về yếu tố kinh tế, đây không phải là vấn đề lớn, chỉ là một phần nhỏ trong số 350 tỷ USD với dự luật đầu tư vào việc khuyến khích áp dụng năng lượng sạch, xây dựng các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và khuyến khích phát triển xe điện.

Nhưng về yếu tố triết học, đó là một vấn đề rất lớn vì lần đầu tiên, các nhà lập pháp đã thừa nhận một cách chắc chắn về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và nông nghiệp. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo rằng chính sách nông nghiệp của Mỹ đã được tích hợp thêm lăng kính khí hậu. Để đạt được mục tiêu đó, họ đã đưa các biện pháp bảo vệ tập trung vào khí hậu vào văn bản của dự luật – đảm bảo rằng 19,5 tỷ USD sẽ được chi riêng cho các nỗ lực “giảm, thu giữ, tránh hoặc cô lập khí thải các bon dioxide, metan hoặc nitơ oxit”.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng xây dựng Dự luật nông nghiệp với ¾ tổng khoản chi 428 tỷ USD dành cho Chương trình Hỗ trợ Bổ sung Dinh dưỡng (hay còn gọi là chương trình phiếu thực phẩm); các chương trình dành cho các nhóm nông dân, trợ giá cho nhà sản xuất ngô, đậu tương, lúa và lúa mì hay trợ cấp bảo hiểm mùa màng nhằm bảo vệ nông dân trước tình hình được mùa mất giá.

Hàng loạt các chương trình được xây dựng nhằm trả tiền cho nông dân để trồng cây che phủ, canh tác không làm đất, chăn thả luân phiên, trồng cây, phục hồi vùng đất ngập nước và sử dụng phân bón chính xác. Hầu hết các chương trình này được thiết kế để lưu giữ các bon trong lòng đất và cô lập các bon.

Một báo cáo gần đây của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động để tránh những tác động khí hậu ngày càng nghiêm trọng trong những năm tới.

Gần 69% người Mỹ ủng hộ việc quốc gia thực hiện các bước để trở thành trung hòa các bon vào năm 2050 – một mục tiêu do Tổng thống Joe Biden vạch ra ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông. Một tỷ lệ tương tự tin rằng Mỹ nên ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như gió và mặt trời, thay vì mở rộng sản xuất dầu, than và khí đốt tự nhiên. Tính trung lập các bon có nghĩa là không giải phóng nhiều cácbon dioxide vào bầu khí quyển hơn lượng được loại bỏ.

Hà An (Theo The New York Times/Pew Research Center)