Thị trường Carbon: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Làm thế nào để tận dụng cơ hội phát triển thị trường carbon là nội dung được thảo luận tại buổi toạ đàm do Báo Giao thông tổ chức ngày 20/4/2023.

Thị trường carbon (thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính) hay tín chỉ carbon là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trên thị trường được tính bằng lượng khí nhà kính (KNK) được cắt giảm của một đơn vị phát thải/hấp thụ khi hoạt động giữa bên mua và bên bán. Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch cho các doanh nghiệp, nếu dùng hết hạn ngạch các doanh nghiệp phải mua tín chỉ carbon của doanh nghiệp khác. Điều này sẽ giúp hình thành thị trường carbon toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp trong nước trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và quốc tế. Trong đó, một bên sẽ trả tiền cho một bên khác để đổi lại một lượng nhất định giảm phát thải KNK. Nguồn doanh thu từ tín chỉ carbon là nguồn hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm phát thải KNK dưới dạng đặt mua lượng giảm phát thải này.

Chia sẻ tại Toạ đàm, Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, chủ đầu tư một dự án carbon tại Hà Tĩnh cho rằng tín chỉ carbon ngày càng khan hiếm vì các quốc gia có rừng rất hiếm hoặc có nhưng khả năng hấp thụ carbon thấp. Thế giới chú ý đến 2 khu vực Mỹ la tinh và Đông Nam Á nhưng đang dần cạn kiệt (rừng nguyên sinh) do bị tàn phá.

Việt Nam có nhiều tiềm năng vì ¾ là rừng, tuy nhiên từ trước xảy ra tình trạng chặt phá rừng để trồng cây công nghiệp, do đó tỷ lệ rừng nguyên sinh còn ít, chỉ còn rừng trồng.

Nếu chặt rừng làm cây công nghiệp chỉ đạt doanh thu 75 triệu/ha, nhưng nếu làm rừng để hấp thụ carbon với mức trung bình 150 tấn/ha có thu nhập (40 USD/tấn) khoảng 6.000 USD/năm.

Chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ rừng, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, đơn vị của ông đã lựa chọn 500 ha rừng nghèo ở Hà Tĩnh với mục đích bảo vệ rừng, tạo kế an sinh xã hội cho người dân địa phương. Đến nay đã ghi nhận tạo ra khoảng 160 tấn/ha và bán được.

Cùng quan điểm này, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN & PTNT đánh giá tiềm năng to lớn về phát hành chứng chỉ carbon từ rừng trong tương lai. Hiện Việt Nam có khoảng 14,7 triệu ha, trong đó tự nhiên hơn 10 triệu ha, trồng 4,5 triệu ha.

Còn đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thị trường carbon còn nhiều dư địa, trước đây, phần lớn các dự án tạo tín chỉ chủ yếu là từ các dự án thủy điện nhỏ. Nhưng trong tương lai, sẽ có thêm nguồn năng lượng tái tạo và nổi bật nhất là năng lượng mặt trời, điện gió ngoài khơi và năng lượng sinh khối. Bên cạnh đó là các dự án tiết kiệm năng lượng. Ví dụ như, doanh nghiệp đầu tư vào điều hoà, như điều hoà Inverter, nếu đầu tư đủ lớn có thể mời các đơn vị thẩm định vào đo đạc, và xác định tín chỉ. Với quy mô đủ lớn cũng có thể tạo ra nhiều lợi ích.

Tại Toạ đàm các diễn giả đều đánh giá, thị trường carbon có tiềm năng rất lớn và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nhất là các đối tượng yếu thế và nền kinh tế – xã hội. Tuy nhiên Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào để vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?

Tại Việt Nam, để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các cam kết quốc tế, đặc biệt là mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế. Trong đó quan trọng nhất là bảo vệ tầng ô-dôn và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo từng giai đoạn.

Thị trường carbon dự báo sẽ sôi động trong các năm tới

Theo đó, giai đoạn đến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Từ năm 2028, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Để phát triển thị trường carbon Việt Nam, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý, trong đó có các cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư; các yếu tố cân bằng chi phí; các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật. Giải quyết các vấn đề nguồn nhân lực; phân chia nguồn doanh thu…; cũng như cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành, địa phương và người dân.

Đại diện Vinacapital cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, thị trường carbon còn đối mặt với nhiều thách thức. Dù chúng ta có thể phát triển cao hơn 40 triệu tín chỉ Carbon từ rừng, biển, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên Việt Nam phát thải cao hơn nhiều nước; hấp thụ carbon ở Việt Nam cũng rất cao.

“Vấn đề là cơ chế ra sao, cơ chế đảm bảo hài hòa loại ích, doanh thu cho nhà đầu tư, phân chía nguồn doanh thu cho các bên liên quan như thế nào là thách thức để theo kịp thị trường quốc tế. Tôi hi vọng Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch đầu tư có kế hoạch định hướng, thể chế chính sách rõ ràng hơn để theo kịp quốc tế, cần đẩy sớm hơn.

Số liệu các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, khí nhà kính (KNK), nổi bật là carbon dioxide (CO2) thể hiện tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) là 1 với tỷ lệ 76%, methane (CH4) là 28 với 16%… Dự báo vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ bề mặt trái đất có thể tăng 4oC. Nếu không có những hành động kịp thời, sẽ tác động rất lớn đến nhiều mặt của nền kinh tế – xã hội mỗi quốc gia.