Buôn bán ĐVHD qua đường biển gia tăng trở lại sau đại dịch

Ngày 20 tháng 3, hải quan Việt Nam đã thu giữ gần 7 tấn ngà voi tại cảng Hải Phòng. Đây là bằng chứng cho thấy hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã bất hợp pháp đang sôi động trở lại sau thời gian suy giảm do đại dịch Covid19.

Dữ liệu mới đây cho thấy, nạn buôn bán trái phép các bộ phận của động vật hoang dã chưa hoàn toàn khôi phục như hồi trước đại dịch, tuy nhiên hoạt động buôn bán đang diễn ra cho thấy mối lo ngại về một đường dây vận chuyển động vật hoang dã xuyên quốc gia.

Voi bị tàn sát để lấy ngà (Nguồn: Marthijn Brinks)

Số liệu từ C4ADS – tổ chức chuyên về điều tra các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở Mỹ – cho thấy các vụ bắt giữ ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm từ tê tê năm 2022 vẫn thấp hơn so với thời điểm trước khi hoạt động thương mại toàn cầu bị gián đoạn do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, dữ liệu cũng chỉ ra việc quay trở lại của các lô hàng động vật hoang dã số lượng lớn và gia tăng buôn bán bằng đường biển thay vì bằng đường bộ và đường hàng không. Theo đó, các vụ bắt giữ trên biển chiếm hơn 50% tổng trọng lượng ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê bị thu giữ vào năm 2022.

Bà Ellen Tyra – chuyên viên phân tích của C4ADS và cộng sự – đã thực hiện một khảo sát hoạt động buôn bán động vật hoang dã bằng cách thu thập thông tin từ các phương tiện truyền thông, website của các đơn vị hải quan, báo cáo và các nguồn công khai khác có sẵn về 5 loại động vật hoang dã thường xuyên bị buôn bán, bao gồm voi, báo hoa mai, tê tê, tê giác và hổ. Dữ liệu được cập nhật hàng tuần, miễn phí và công khai trên Bảng thống kê thu giữ động vật hoang dã của C4ADS, cho thấy xu hướng các vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã toàn cầu kể từ năm 2013. Tyra cho biết “đại dịch đã điều chỉnh thế giới” khi  các vụ bắt giữ giảm mạnh vào năm 2020.

Biểu đồ thể hiện số vụ bắt giữ ngà voi, hổ và báo từ năm 2018 đến năm 2022. (Nguồn: C4ADS.org)

Theo C4ADS, tổng số vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã trong năm đã giảm 36% so với số vụ bắt giữ trung bình được ghi nhận từ năm 2017 đến 2019. Tổng cộng có 487 vụ bắt giữ được báo cáo vào năm 2022 trong khi có tới 1.143 vụ bắt giữ năm 2019.

Tuy nhiên, sự suy giảm này không đồng đều ở tất cả các quốc gia, nguyên nhân có thể là do các quốc gia mở cửa trở lại vào những thời điểm khác nhau. Chẳng hạn, Malaysia đã có sự gia tăng các vụ bắt giữ động vật hoang dã khi mở cửa trở lại vào đầu năm 2022. Trong khi đó, Trung Quốc duy trì các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt cho đến tháng 1 năm 2023, do đó nước này vẫn tiếp tục ghi nhận số lượng vi phạm bắt giữ thấp.

Tyra cho biết, trong giai đoạn thích nghi với đại dịch, xu hướng nổi bật nhất là sự quay trở lại của các lô hàng số lượng lớn và sự gia tăng các vụ bắt giữ trong lĩnh vực hàng hải.

Các loài động vật lớn, bao gồm loài mèo lớn như báo hoa mai và voi, là nạn nhân của nạn buôn bán động vật hoang dã. (Nguồn: Gowthaman k.a)

Ông Steve Carmody – Giám đốc chương trình tại Ủy ban Tư pháp động vật hoang dã Hà Lan cho rằng chỉ riêng số liệu các vụ việc bị bắt giữ không đủ để giải thích các động lực tội phạm của nạn buôn bán động vật hoang dã trong một năm nhất định. Theo ông, ngoài số liệu này, còn có các lô hàng vận chuyển và buôn bán thành công qua chuỗi cung ứng mà không bị cơ quan chức năng phát hiện, hay những thành công của cơ quan thực thi pháp luật vào năm 2022, đặc biệt là việc bắt giữ những kẻ hỗ trợ và vận chuyển chính đã gây ra sự gián đoạn lớn cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã từ Châu Phi đến Châu Á.”

Bà Tyra đồng ý rằng dữ liệu bắt giữ vi phạm buôn bán động vật hoang dã không đại diện cho mức độ buôn bán động vật hoang dã, nhưng với sự thiếu hụt dữ liệu như hiện nay, đây vẫn là một số liệu hữu ích.

Tê tê được xuất khẩu để dùng chữa bệnh. (Nguồn: Frendi Apen Irawan)
Vảy tê tê bị thu giữ trong một cuộc truy quét ở Nigeria vào tháng 8 năm 2021 (Nguồn: Dịch vụ Hải quan Nigeria)

Trong hai tháng rưỡi đầu năm 2023, C4ADS đã ghi nhận tới 59 vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã. Bà Tyra cho biết những phát hiện sơ bộ cho thấy các xu hướng buôn bán động vật hoang dã được xác định trong năm 2022 vẫn tiếp diễn, đặc biệt là liên quan đến các vụ bắt giữ buôn bán ngà voi. Theo bà, cần tập trung theo dõi các vụ bắt giữ ngà voi vào năm 2023, đặc biệt với số lượng lớn và vận chuyển qua đường hàng hải. Trung Quốc vẫn là thị trường chính tiêu thụ ngà voi. Việc quốc gia này mở cửa trở lại gần đây dấy lên lo ngại về sự gia tăng nạn buôn bán ngà voi có thể xảy ra vào năm 2023.

Bảng dữ liệu thu giữ vi phạm về động vật hoang dã C4ADS. Mọi thông tin đều có sẵn, miễn phí và công khai, hiển thị dữ liệu thu giữ từ năm 2013-2023.

C4ADS cho biết, với việc thương mại và vận chuyển quốc tế được nối lại và phần lớn các nước nới lỏng phong tỏa, nạn buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi có khả năng gia tăng cao. Tuy nhiên, do có ít hạn chế liên quan đến đại dịch hơn nên các quan chức thực thi pháp luật cũng có nhiều thẩm quyền hơn trong việc ngăn chặn các vụ vận chuyển động vật hoang dã bất hợp pháp.

C4ADS kêu gọi các chính phủ, cơ quan thực thi và phương tiện truyền thông sử dụng dữ liệu của họ để giám sát và báo cáo về hoạt động buôn bán, phân bổ nguồn lực để chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã. Để đạt được mục tiêu này, C4ADS đề xuất rằng các bên liên quan thực thi pháp luật nên ưu tiên điều tra các vụ bắt giữ động vật hoang dã trong phạm vi quyền hạn của họ để xác định các lô hàng lậu khác. Ngoài ra, nhân viên vận tải hàng hải nên tăng cường nỗ lực kiểm tra các lô hàng xuất nhập khẩu để phát hiện thêm các lô hàng bất hợp pháp.

Thùy Dung (Theo Mongabay)

Nguồn: