Du lịch thân thiện với voi

Từ ngày 10-2, Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk) đã dừng hoạt động cưỡi voi tại Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), thay vào đó là loại hình du lịch thân thiện với voi.

Trong thông cáo báo chí doanh nghiệp khẳng định: “Qua nhiều năm tháng lao động miệt mài cùng con người, đến thời điểm này những chú voi Buôn Đôn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử với người dân Tây Nguyên. Nay đã đến lúc những chú voi Tây Nguyên nói chung, voi Buôn Đôn nói riêng cần được nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động lễ hội và vui chơi cùng du khách, mà không phải lao động vất vả, nặng nhọc”.

Ngay lập tức, quyết định của Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận, nhận được sự tán dương của du khách trong và ngoài nước. Đó là vì, thời gian trước đó, tại một số điểm du lịch tại Đắk Lắk đã xảy ra tình trạng voi nhà bị khai thác quá mức, dẫn đến kiệt sức, thậm chí xảy ra xung đột giữa voi và nài voi, giữa voi và khách du lịch, gây ra hậu quả đáng tiếc.

Được biết, với khoản viện trợ 2,43 triệu USD của Tổ chức Động vật châu Á, từ tháng 11-2022 đến tháng 12-2026, tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai dự án chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn. Thay vì cưỡi voi để tham quan, du khách sẽ ngắm voi từ xa, theo dõi voi ăn, tắm, ngủ, đi dạo cùng voi trong rừng; đồng thời được nghe tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn voi. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn 37 con voi nhà.

Voi nhà tại Khu du lịch hồ Lắk, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk (Đắk Lắk).

Hiện tại Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện đang có 6 con voi nhà phục vụ du khách; trong đó 2 con của đơn vị quản lý và 4 con hợp đồng của người dân địa phương. Hiện nay đang vào mùa lễ hội Tây Nguyên, thu hút đông đảo du khách đến với Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn. Việc dừng mô hình du lịch cưỡi voi dẫn đến doanh thu của doanh nghiệp, thu nhập của nài voi và chủ voi trong mùa du lịch này bị sụt giảm nhiều lần. Do đó, nếu kịp thời nhận được kinh phí hỗ trợ từ UBND tỉnh Đắk Lắk để chuyển đổi từ mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi sẽ là động lực để các cơ sở đang nuôi voi phục vụ du khách nhanh chóng chuyển đổi mô hình.

Đàn voi nhà hiện còn ở Đắk Lắk đều đã già yếu, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Dư luận và những người yêu quý voi nhà đều cho rằng, đã đến lúc cần nhanh chóng chấm dứt tất cả hoạt động của mô hình du lịch cưỡi voi, chuyển sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Và mô hình du lịch thân thiện với voi mà Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện đang triển khai cần được biểu dương và nhân rộng.

Bài và ảnh: Kiều Bình Định