“Hãy cùng lắng nghe tiếng nói của người dân!”

ThienNhien.Net – Đó là thông điệp của người dân tại 3 quốc gia bị ảnh hưởng từ việc xây đập thủy điện trên sông Mê Công muốn gửi đến Chính phủ các nước lưu vực sông Mê Công để cứu dòng sông này, và cũng chính là thông điệp từ Diễn đàn “Tiếng nói của người dân Mê Công: Thông điệp gửi tới Chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mê Công về đập thủy điện” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phối hợp cùng Đại học An Giang tổ chức tại TP. Long Xuyên (An Giang) ngày 11.11.2015.

Đại diện nhân dân Campuchia tại Diễn đàn
Đại diện nhân dân Campuchia tại Diễn đàn

Tại diễn đàn, đại diện người dân tại 3 quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Campuchia cùng lên tiếng cảnh báo nạn xây dựng đập thủy điện trên các nhánh chính sông Mê Công đã, đang và sẽ tiếp tục làm sụt giảm loài và giống cá cũng như tác động tiêu cực đến bờ sông…

Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, hạnh phúc gia đình và khả năng học tập của người dân trong lưu vực sông mà còn tác động tiêu cực đến sự ổn định của cư dân ven biển…

Với những quan ngại đó, đại diện cộng đồng dân cư 3 quốc gia đã thống nhất gửi tới Chính phủ các quốc gia khu vực Mê Công bản tuyên bố về đập thủy điện tại khu vực Mê Công để cứu lấy dòng sông trước khi quá muộn.

Quang cảnh ra tuyên bố chung
Quang cảnh ra tuyên bố chung

Báo Lao Động xin đăng toàn văn bản tuyên bố này để bạn đọc có điều kiện cùng sẻ chia trách nhiệm và kêu gọi cộng đồng tham gia hưởng ứng:

Chúng tôi là những người dân thuộc vùng hạ lưu vực sông Mê Công sống phục thuộc vào hệ sinh thái được kiến tạo bởi con sông Mê Công và nhiều sông, hồ tại khu vực này, đặc biệt là Hồ Tonle Sap, sông Sê San và ĐBSCL, là nơi mang lại nguồn thức ăn, sức khỏe, sinh kế, kinh tế và các nguồn thu nhập khác cho chúng tôi. Nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác của khu vực sông Mê Công đã đảm bảo cuộc sống và kinh tế của chúng tôi.

Các đập được xây dựng trên dòng chính Mê Công và các nhánh sông khác tại khu vực đã gây ra những thay đổi với toàn bộ hệ sinh thái, đe dọa cuộc sống, sinh kế và kinh tế khu vực Mê Công.

Những người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em là những người bị tác động và ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi đó. Các đập thủy điện còn khiến tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. 

Những đập thủy điện gây tác động ảnh hưởng bao gồm Pak Mun, Yali, Nam Theun 2, Theun – Hinboun, Xayaburi và một số các đập khác tại sông Lancang của Trung Quốc.

Chúng tôi đã chứng kiến và chịu ảnh hưởng của các tác động do đập thủy điện gây nên. Đối với chúng tôi, những cộng đồng sống ven sông, những người trải nghiệm từng thay đổi nhỏ của mực nước sông thì không có nghi ngờ gì về việc những con đập đó sẽ gây tác hại nghiêm trọng tới các thế hệ hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, các đập này không nên được xây dựng. 

Đại diện nhân dân Thái Lan tại Diễn đàn
Đại diện nhân dân Thái Lan tại Diễn đàn

Chúng tôi thực sự lo lắng về đập thủy điện Don Sahong tại Lào, vị trí đập được xây dựng được xem là vùng tối quan trọng chi cá di cư từ thượng lưu tới hạ lưu của sông Mê Công. Việc xây dựng đập sẽ gây sụt giảm nghiêm trọng loài cá và lượng cá tại toàn lưu vực sông Mê Công. Vị trí hiện tại của con đập đặc biệt nguy hiểm tới các loài cá khổng lồ sinh sống tại sông Mê Công và cá heo Irrawaddy. 

Ngoài ra, đập thủy điện Don Sahong sẽ tác động tiêu cực tới ngành nông nghiệp và ngành thủy sản tại ĐBSCL. Bấp chấp những mối nguy hại do con đập này sẽ mang lại, Chính phủ Lào đã không lắng nghe những lo lắng từ những người dân địa phương thuộc các nước Mê Công trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Chúng tôi cũng không bao giờ nhận được các thông tin một cách đầy đủ về các đập thủy điện, không bao giờ được tham vấn một cách rõ ràng về các con đập này và chúng tôi cũng không có cơ hội được tham gia vào quá trình đưa ra quyết định về các con đập thủy điện. Chúng tôi bắt buộc phải đối mặt với các tác động tăng lên không ngừng của các dự án thủy điện. Đã đến lúc Chính phủ các nước cần lắng nghe tiếng nói và tôn trọng quyền quyết định vè tương lai của các dòng sông và cuộc sống của chúng tôi.

Chúng tôi yêu cầu:

– Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ các nước khu vực Mê Công và đại diện các cộng đồng thông qua diễn đàn nhân dân: các Chính phủ cần phải tham gia diễn đàn công khai để lắng nghe và hiểu thêm về các tác động của các đập thủy điện tới chúng tôi. Diễn đàn này sẽ sớm được tổ chức và có sự tham gia từ đại diện của các cộng đồng dân địa phương sinh sống ở sông Mê Công.

– Các nghiên cứu cần được thực hiện để hiểu đầy đủ giá trị của các dòng sông, những tác động xã hội và môi trường do các dự án thủy điện gây ra: các nghiên cứu này cần được các nhà nghiên cứu độc lập thực hiện, có sự tham gia đầy đủ của tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng và cần có đủ thời gian để thu thập chứng cứ nhằm đưa ra quyết định phù hợp về các dự án thủy điện này. Nếu các nghiên cứu này đưa ra các bằng chứng tác động tiêu cực ảnh hưởng tới các nguồn lợi của người dân, các dự án thủy điện phải ngưng xây dựng. 

– Cần có các nghiên cứu và hành động khẩn cấp đối với đập thủy điện Don Sahong vì nó nằm ở vị trí nguy cấp và hiện trạng của dự án. Chi phí và tác động đầy đủ của dự án này cần phải được công bố rộng rãi và ghi nhận của các Chính phủ quốc gia tại vùng Mê Công. 

Một lần nữa chúng tôi muốn nhắc lại với các Chính phủ rằng, chúng tôi, những người dân từ khu vực Mê Công muốn bảo vệ các dòng sông cho các thế hệ con cháu mai sau và cần được tham gia trong quá trình ra quyết định đối với các dòng sông này. 

Trân trọng! 

Nhân dân 3 quốc gia Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ: Trung tâm Tài nguyên Cộng đồng Thái Lan (CRC), Mạng lưới hành động thủy sản Campuchia (FACT), Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh Việt Nam (Green ID), Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước Việt Nam…