Nạn phá rừng Amazon của Brazil giảm mạnh kể từ năm 2023

Nạn phá rừng Amazon của Brazil đã giảm 61% trong tháng 1/2023 – tháng đầu tiên tân Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đảm nhiệm chức vụ – so với cùng kỳ năm ngoái, theo một báo cáo chính thức được công bố hôm thứ Sáu (10/2).

Theo viện nghiên cứu vũ trụ INPE, các hình ảnh vệ tinh từ hệ thống giám sát DETER cho thấy một khu vực rộng 167 km vuông đã bị phá hủy. Con số đó tương đương với 22.000 sân bóng đá, nhưng là một sự sụt giảm lớn đối với 430 km vuông phá rừng vào tháng 1 năm 2022, khi cựu Tổng thống Jair Bolsonaro còn đang nắm quyền.

Rừng nhiệt đới Amazon. Ảnh: AFP

Tin tức được đưa ra ngay trước khi Lula chuẩn bị gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington. Mặc dù nạn phá rừng giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng con số mới trong tháng 1 vẫn cao hơn so với 2 trong 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của Bolsonaro. Cụ thể, năm 2019 là 136 km vuông và chỉ 83 km vuông vào năm 2021 bị phá.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tổng thống của Bolsonaro, nạn phá rừng trung bình hàng năm đã tăng 75% so với thập kỷ trước. Ông đã cổ xuý các chính sách có lợi cho ngành nông nghiệp và khai thác gỗ, những ngành chịu trách nhiệm chính cho nạn phá rừng.

Chi nhánh Brazil của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) cho biết, dữ liệu của tháng trước “có thể phản ánh việc nối lại chương trình nghị sự bảo vệ môi trường” mà chính quyền Tổng thống Lula đã ưu tiên.

Tuy nhiên, WWF cảnh báo rằng “còn quá sớm để nói về một sự đảo ngược” tình trạng phá rừng ngày càng gia tăng, nhất là vì nó thường đạt đỉnh điểm vào mùa khô, bắt đầu từ tháng 6.

Frederico Machado, chuyên gia bảo tồn tại WWF Brazil cho biết: “Các kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn và kiểm soát nạn phá rừng và cháy rừng phải được cơ cấu lại như một vấn đề cấp bách để Brazil tái khám phá vai trò của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo môi trường quốc tế”. Ông cáo buộc các chính sách của Bolsonaro là “phản môi trường” và “tội phạm”.

Từng lãnh đạo Brazil từ năm 2003 đến 2010, Tổng thống Lula đã hứa sẽ xây dựng lại các cơ quan chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ môi trường sau khi Bolsonaro cắt giảm ngân sách và nhân sự nghiêm trọng.

Ông cũng đã công bố một mục tiêu đầy tham vọng là không còn nạn phá rừng vào năm 2030. Để làm được như vậy, ông trông cậy vào viện trợ quốc tế, đặc biệt là thông qua Quỹ Amazon, mà Đức và Na Uy là những nhà đóng góp chính.

Mai Anh (theo AFP, CNA)