Bào ngư và bò biển nằm trong Sách Đỏ mới nhất

Gần 1/10 thực vật và động vật dưới nước được đánh giá là có nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu và ô nhiễm, theo danh sách đỏ mới nhất về các loài bị đe dọa.

Bò biển và bào ngư nằm trong số hơn 1.550 thuộc 17.903 loài sinh vật biển được Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) đánh giá là có nguy cơ tuyệt chủng, theo danh sách mới nhất, công bố hôm 9/12.

“Điều đó cho thấy chúng ta đang gây tổn hại nghiêm trọng đến các loài sinh vật biển”, ông Craig Hilton-Taylor, người đứng đầu nhóm nghiên cứu soạn thảo danh sách đỏ của IUCN, nhận xét, CNN đưa tin ngày 10/12.

“Bằng cách đánh giá tình trạng của loài, chúng ta có thể thấy một chỉ số thực sự về những gì đang xảy ra ở dưới nước, và đó không phải là tin tốt”, ông Hilton-Taylor nói thêm.

Ông Hilton-Taylor cho biết tỷ lệ các loài sinh vật biển đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng có thể cao hơn nhiều so với dữ liệu hiện tại, vì những loài được phân tích cho đến nay thường là các loài phổ biến hơn.

Danh sách đỏ mới nhất được công bố cùng ngày với hội nghị của Liên Hợp Quốc về tự nhiên tại Montreal, nơi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước chấm dứt “cuộc tàn phá” và thông qua một thỏa thuận nhằm ngăn chặn tình trạng mất môi trường sống của sinh vật.

IUCN cho biết quần thể bò biển, một loài động vật có vú, màu xám, mũm mĩm, đã giảm xuống còn dưới 250 con trưởng thành ở Đông Phi và dưới 900 con ở vùng New Caledonia của Pháp.

Trong số các mối đe dọa mà chúng phải đối mặt là mất nguồn thức ăn chính, cỏ biển, do hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí hoặc niken.

Danh sách mới nhất lần đầu tiên nhắc đến các loài bào ngư – thường được bán như hải sản cao cấp – và chỉ ra rằng khoảng 44% trong số chúng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

IUCN nói rằng các đợt nắng nóng trên biển ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên đã gây ra hiện tượng sinh vật chết hàng loạt, tạo điều kiện cho dịch bệnh và giết chết nguồn thức ăn của chúng.

Ở Nam Phi, nạn săn trộm đã tàn phá một số quần thể bào ngư nhất định, trong khi ô nhiễm từ hoạt động nông nghiệp và công nghiệp gây tổn hại các loài bào ngư khác ở một phần bán đảo Arab, theo thông cáo báo chí của IUCN.

San hô cột (pillar coral), một loài san hô ở Caribbean, cũng bị tăng mức độ đánh giá nguy hiểm từ “dễ bị tổn thương” đến “cực kỳ nguy cấp”. Số lượng của loài này đã giảm hơn 80% kể từ năm 1990.

Ở Đại Tây Dương, gần một nửa số san hô (thuộc nhiều loài) đang có nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu và các yếu tố khác.

“Tình trạng xấu của những loài này có thể khiến chúng ta sốc và buộc chúng ta phải hành động khẩn cấp”, Amanda Vincent, Chủ tịch của một ủy ban bảo tồn sinh vật biển thuộc IUCN, cho biết.

Các quần thể động vật hoang dã trên thế giới đã giảm mạnh trung bình 69% từ năm 1970 đến 2018, một sự suy giảm nguy hiểm do biến đổi khí hậu và các hoạt động khác của con người, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cảnh báo trong một báo cáo vào tháng 10.

Nguồn: