Bỏ hẳn du lịch cưỡi voi, cơ hội để ngành du lịch Đắk Lắk chuyển mình

Chính quyền Đắk Lắk cam kết sẽ bỏ hẳn du lịch cưỡi voi trên phạm vi toàn tỉnh. Thay vào đó, loại hình dịch vụ du lịch thân thiện với voi sẽ được các khu du lịch tập trung nghiên cứu, khai thác để đem lại cảm giác trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Dù đã muộn màng nhưng rồi động thái trên cho thấy chính quyền địa phương đang áp dụng mọi biện pháp có thể để bảo tồn bầy voi nhà và vực lại một ngành du lịch chịu quá nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Rất nhiều du khách trong nước đến du lịch Đắk Lắk đã không còn quá thích thú với du lịch cưỡi voi. Ảnh minh họa: Minh Thuận

Mới đây, tại chương trình tọa đàm ”Kết nối giao thương giữa Hà Nội và Buôn Ma Thuột phát triển du lịch an toàn, hấp dẫn giữa các doanh nghiệp du lịch ở hai địa phương” tổ chức tại Đắk Lắk, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh tuyên bố với các đại biểu tham dự rằng, sẽ bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi. Thay vào đó, các điểm du lịch sẽ tiến hành nghiên cứu, khai thác các loại hình dịch vụ du lịch thân thiện với voi để đem lại cảm giác trải nghiệm mới lạ cho du khách khi đến tỉnh nhà.

Thực tế cho thấy trong năm 2020, Đắk Lắk liên tục xảy ra những tai nạn liên quan đến voi. Cụ thể, ngày 22.5, nài voi Y Đrim Kuan (xã Yang Tao, huyện Lắk) đã bất ngờ bị voi nhà quật tử vong khi đưa voi đi tắm. Khoảng 2 tháng sau, chị Đ.T.B. (32 tuổi, quê Hưng Yên) khi đang cưỡi voi thì bất ngờ bị ngã, chấn thương ngực, dập phổi, gãy 4 xương sườn, cẳng tay phải, đa chấn thương… phải đi cấp cứu.

Nhiều năm qua, không ít voi nhà ở Đắk Lắk đã qua đời do bị ”cưỡng bức lao động” quá mức.

Một doanh nghiệp lữ hành lớn ở khu vực phía bắc cho hay, khi đưa khách về Buôn Đôn, ngoài việc cưỡi voi, tham quan một số thắng cảnh trong chốc lát ra thì rất khó giữ chân họ ở lại đây lâu. Không ít người cảm thấy hụt hẫng vì chất lượng không được như trong quảng bá. Một khi du khách đã không còn quá háo hức với việc được cưỡi voi thì địa phương cần phải tìm những cách làm, hướng khai thác du lịch mới mẻ hơn để tạo điểm nhấn, ấn tượng với khách.

Điều đó cho thấy ngành du lịch Đắk Lắk cần phải có một bước chuyển mình mạnh mẽ sau khi dẹp bỏ loại hình du lịch cưỡi voi. Những người làm du lịch (kể cả chính quyền và doanh nghiệp) ở tỉnh phải đầu tư chất xám nhiều hơn thậm chí ”thay máu” cho những dịch vụ cũ kỹ, nhàm chán mà bấy lâu nay vẫn thường đem ra giới thiệu với khách trong và ngoài nước. Không sớm thay đổi, chất lượng du lịch của Đắk Lắk sẽ rất dễ đi xuống trong tương lai gần.

Thực tế, các mô hình du lịch như cộng đồng, canh nông, homestay vốn có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nâng tầm ở Đắk Lắk nhưng vẫn chưa được các bên liên quan đầu tư khai thác một cách bài bản, có hiệu quả. Chính điều này làm không ít doanh nghiệp lữ hành ở các tỉnh bạn cảm thấy thất vọng, chưa dám vội mở thêm tour, tuyến đưa khách về các địa điểm khác ở ”thủ phủ” Tây Nguyên. Thay vào đó, họ chọn bố trí, thuyết phục hành khách của mình xuống biển nhiều hơn lên núi.

Bỏ hẳn du lịch cưỡi voi, Đắk Lắk cũng sẽ có cơ hội để nghiên cứu và cho ra đời những dịch vụ gắn liền với loài động vật này như tắm voi; cho voi ăn; hay thậm chí sản phẩm cà phê voi… Tất cả dịch vụ thân thiện đó đều có thể đầu tư triển khai thực hiện nhằm kéo du khách về Đắk Lắk nếu có sự thống nhất, phối hợp bài bản, nhịp nhàng của những người làm quản lý, doanh nghiệp du lịch… và cả những nài voi.