Tan hoang “xứ sở vàng”

ThienNhien.Net – Núi lở, rừng “khóc”, sông ngăn dòng chảy, đất sản xuất biến mất là những hệ lụy đã, đang xảy ra ở miền núi Quảng Nam do nạn khai thác vàng trái phép gây nên. Đã có nhiều văn bản chỉ đạo ra đời nhưng vẫn không ngăn cản nổi bước chân của giới làm vàng ồ ạt vào rừng sâu để tìm vàng.

250313_CMT_vang1

Lợi dụng các nhà máy thủy điện tích nước ngăn dòng, tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép đã hoành hành ở các con sông thượng nguồn. “Vàng tặc” bây giờ hoạt động công khai giữa ban ngày.

Từ cầu Bến Giằng của huyện Nam Giang, ngược lên thượng nguồn sông Bung – nơi có nhà máy Thủy điện sông Bung 4 mất gần 30km. Một bên là núi rừng dựng đứng, bên kia là vực thẳm giăng đầy mây trắng. Lòng đường lỗ chỗ ổ voi, do xe cơ giới cày nát. Quốc lộ 14D như thường lệ đìu hiu, quạnh vắng. Thế nhưng, khi rẽ vào sát chân đập nhà máy Thủy điện sông Bung 4, bắt gặp hàng trăm công nhân đang lao động, khó phân biệt đâu là người Trung Quốc và dân địa phương.

Bước chừng vài chục sải chân, chúng tôi phát hiện một xe múc, giàn tuyển quặng, máy nổ cất giấu ngay bụi rậm cây. Kế bên là một con đường rộng gần 3m vừa mới mở xuống tận sông Bung. Nhiều cây cổ thụ bị bứng gốc ngã nghiêng vắt đường. Sát bờ sông có một hầm đục khoét sâu hơn 10m, đường kính miệng rộng 3m. Trong lán trại, chứa nhiều đồ dùng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm phục vụ cho khai thác dài ngày.

Hai công nhân tự giới thiệu tên là Lê Quốc Tài, Lữ Văn Khánh, cùng trú xã Hữu Niệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đang thổi lửa nấu ăn. Khánh cho biết: “Công việc chính của bọn em là đào hầm, chủ sai đâu làm đó, bán sức đổi tiền chứ không quan tâm đến việc có vàng hay không. Phu vàng ở đây phần lớn là dân gốc Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa”.

Khi hỏi về chủ bãi, Khánh bảo chỉ biết tên là Hòa, Ngọc “đen” ở Bến Giằng.

Những phu vàng tại ngồi nghỉ giải lao tại một bãi khai thác vàng.

Phu vàng ở đây tiết lộ, chỉ đào đãi theo con nước, khi thủy điện ngăn dòng chảy, sông Bung trở nên trơ đáy. Đây là thời điểm thuận lợi để xe cơ giới có thể qua lại sông, đua nhau băm nát lòng sông tìm vàng. Phía kia bờ sông Bung là lãnh địa riêng của giới “vàng tặc”. Dãy núi đứng sừng sững che chở cho sông bao đời nay đã bị ngoạm bới nham nhở, cơ thể “lở loét” chạy dọc mép sông nhiều cây số.

Ông Trần Văn Giảng, Đội trưởng thi công nhà máy Thủy điện sông Bung 4 nói: “Từ trước tết Nguyên đán, xe múc, xe ủi đã đưa đến tàn phá cả đêm lẫn ngày. Dòng người kéo đến khai thác ngày càng nhiều, làm náo động dòng sông, ảnh hưởng đến việc thi công của chúng tôi. Chính vì vậy, nhà máy chính thức có văn bản kêu cứu”.

Vòng vèo dưới đập dâng nhà máy, chúng tôi chứng kiến lòng sông Bung ngổn ngang như bãi chiến trường. Đất cát xới tung lên cao không thua gì tòa nhà cao tầng, xen kẽ là các hố bị đào tan hoang rộng như … sân vận động. Nhìn ngó xung quanh chẳng thấy một bóng người, máy móc tận thu vàng.

Hiện trường để lại chỉ là một lán trại đang dựng dang dở, với nhiều khúc gỗ “đầm đìa” nhựa sống. Người dân địa phương bảo, “vàng tặc” đã lấp dòng sông này hơn một tháng rồi. Sau tết, công an đến truy quét nhưng họ có “tay trong tay ngoài” nên gần như nắm rất rõ đường đi nước bước của đoàn kiểm tra. Các máy móc, dụng cụ đào đãi vàng đã chôn lấp dưới lòng đất.

Kiểm chứng lời người dân nói, bước xuống một hố sâu, bới tung đất lên, chúng tôi thấy nhiều dụng cụ đào đãi vàng vùi lấp trong đất.

Tiếp tục rong ruổi trên đường Hồ Chí Minh, chúng tôi còn chứng kiến nhiều đoạn trên sông nước Mỹ, tại km 25, xã Cà Dy (Nam Giang), thôn Lao Đu, xã Phước Xuân (Phước Sơn) bị băm nát với mức độ khủng khiếp. Từ ngày Thủy điện Đắc My 4 ngăn dòng, một số đoạn sông trơ đáy vô tình trở thành “mỏ vàng” cho các “ông trùm” tổ chức thuê người khai thác, tranh giành lãnh địa. Chỉ những khúc sông nào có ghềnh đá không thể đưa máy móc tận thu mới bình yên.

Do địa hình, tính chất dòng chảy ở miền núi thay đổi liên tục từ khi các nhà máy thủy điện thượng nguồn đi vào hoạt động, nên việc tận thu vàng sa khoáng trên các sông cũng theo con nước

Một lán trại trái phép bên dòng sông Bung, đoạn qua thôn Vinh, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang

Từ “cửa ngõ vàng” Phước Sơn, chúng tôi xuôi về quốc lộ 14E, men dọc theo sông Trường. Nắng chiều ngã màu, các loại máy móc mở hết công suất, dân tọ mọ đổ xô về khu vực Mò O, giáp ranh giữa hai huyện Phước Sơn và Hiệp Đức để đào đãi vàng.

Nơi đây, tồn tại hai phe cánh riêng. Một là lãnh địa khai thác của các ông chủ đã thỏa thuận mua lại đất của người dân. Hai là dân tọ mọ quanh năm suốt tháng kiếm sống từ vàng. Lòng sông Trường dù chưa bị chặn dòng nghiêm trọng như sông Bung, Nước Mỹ, nhưng nguy cơ san lấp đang đến rất gần.

Đi dưới tán rừng âm u, chúng tôi thấy nhiều lán trại đặt cạnh bờ sông. Hệ thống đường dẫn nước phục vụ công đoạn tuyển quặng chảy xối xả, tiếng máy nổ phát ra bành bạch vang cả khúc sông. Đứng bên này bờ nhìn qua, nhẩm đếm gần 10 phu vàng đang hì hục lấy quặng vàng.

Để tiếp tế lương thực, thực phẩm, dụng cụ đào đãi vàng, các phu vàng hoạt động ở khu vực Mò O đã dùng dây kéo làm hệ thống ròng rọc vận chuyển hàng hóa qua lại hai bờ sông. Thêm nữa, để “yên dân”, các “ông trùm” đã dùng số tiền lớn mua lại đất bồi sản xuất ven sông, hoặc sử dụng phu vàng là dân địa phương. Khi thỏa thuận xong, các chủ bãi vận dụng chiến thuật “quét nhanh”. Thừa lúc thuận lợi, họ huy động tổng lực máy móc hiện đại đến vơ vét vàng trong vòng vài tuần là rút ngay.

Chính sự tận diệt chớp nhoáng này mà hậu quả gây ra khá nặng nề. Những diện tích đất sản xuất khi bị đào xới nham nhở, người dân không có khả năng bồi hoàn, sản xuất trở lại.

(còn tiếp)