Cần ngăn chặn tình trạng buôn bán, quảng cáo bán sản phẩm động vật hoang dã

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều trường hợp có hành vi mua bán, quảng cáo sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) trên mạng xã hội với mức xử phạt hành chính rất cao, thậm chí bị truy tố trước pháp luật.

Hai cá thể Culi trong vụ án của L.V.D.

Cụ thể, trong tháng 8.2022, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã chuyển hồ sơ vụ án “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý, hiếm” cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Giang khởi tố vụ án hình sự đối với L.V.D, sinh năm 1994, trú tại thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê. Trước đó, D. có hành vi săn bắt, vận chuyển, buôn bán 2 cá thể ĐVHD là loài Culi được pháp luật bảo vệ, quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự. Theo lời khai của đối tượng, 2 cá thể Culi này được bẫy trong rừng, sau khi bắt được, D. mang đi bán thì bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Trong một vụ việc khác, qua đường dây nóng bảo vệ ĐVHD, Trung tâm giáo dục thiên nhiên (thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) phát hiện trường hợp N.T.T.H, trú tại tổ 5, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo, buôn bán sản phẩm, ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như cao hổ, túi mật gấu, lọ mật gấu trên tài khoản facebook cá nhân. Căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh, cơ quan chức năng xác định: N.T.T.H đã đăng tải những hình ảnh, nội dung liên quan đến công dụng, tác dụng của cao hổ và mật gấu trên tài khoản facebook cá nhân, mục đích là để “câu like” thu hút nhiều người vào trang cá nhân để bán hàng đang kinh doanh… Hành vi này đã vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cấm quảng cáo được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư số 61/2020 quy định ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, cụ thể: Cấm kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, ĐVHD có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, ĐVHD nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục II của luật này. Với hành vi trên, N.T.T.H đã bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính với mức tiền 70 triệu đồng được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 33, Nghị định số 38/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo.

Hiện nay, Công an tỉnh đang củng cố, hoàn tất hồ sơ để trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 1 trường hợp trú tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên về hành vi tương tự (quảng cáo các sản phẩm của ĐVHD như cao hổ, mật gấu, các sản phẩm từ ngà voi… trên trang facebook cá nhân của mình) với mức xử phạt hành chính theo quy định lên đến 100 triệu đồng.

Trên các trang mạng xã hội, hành vi quảng cáo, buôn bán trái phép các loài ĐVHD và các sản phẩm, bộ phận của ĐVHD diễn ra khá phổ biến. Không chỉ bày bán và quảng cáo tại các cửa hàng, quán ăn, nhiều người đã lợi dụng mạng internet để thực hiện hành vi buôn bán. Đây là hành vi bị cấm, song có những người vì lợi nhuận mà lén lút mua bán, có những người do thiếu hiểu biết về những quy định của pháp luật mà tiếp tay cho hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Mặc dù lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm về ĐVHD, song những vụ vi phạm về ĐVHD vẫn chưa có dấu hiệu giảm và hành vi ngày càng tinh vi hơn. Thực tế này đòi hỏi sự chung tay vào cuộc nỗ lực, quyết liệt hơn của cả xã hội và cộng đồng trong bảo vệ ĐVHD. Cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân không tiêu thụ, săn bắt các sản phẩm từ ĐVHD, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về bảo tồn và phát triển bền vững các loài ĐVHD trong tự nhiên.

Với những chế tài cụ thể và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, mong rằng những hành vi buôn bán, quảng cáo, săn bắt ĐVHD sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần hiệu quả vào việc bảo tồn đa dạng sinh học.