Bảo vệ cây cổ thụ ở Hà Nội

ThienNhien.Net – Hà Nội hiện có 725 cây cổ thụ quý cần được bảo vệ. Trong số này có cây bồ đề 700 tuổi, những cây muỗm 300 – 400 năm tuổi, cây lim 250 tuổi… Đây là những tài sản quý giá cần được bảo vệ và gìn giữ một cách khoa học.


Cây cổ thụ – tài sản quý hiếm

Những cây cổ thụ không chỉ mang lại màu xanh mà còn là nhân chứng lịch sử, là biểu trưng văn hóa trong quá trình phát triển của Hà Nội nghìn năm văn hiến…

Ông Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Truyền thông và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, từ ý tưởng cây cổ thụ là tài sản quý hiếm, nhóm nghiên cứu của Trung tâm đã tiến hành khảo sát và lập bản đồ cây cổ thụ Hà Nội (Atlas) từ hơn 3 năm nay trên địa bàn 14 quận huyện Hà Nội (cũ).

Sau khi tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, tiêu chí cây cổ thụ do nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Giáo dục Truyền thông và Môi trường xác định là “những cây sống trên 70 năm, đường kính trên 70cm”.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đưa vào danh sách những cây có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, cây có nguồn gen quý hiếm… Bởi trên thực tế, ngoài những cây đáp ứng được độ tuổi thì cũng có những cây tuy ít tuổi hơn nhưng lại gắn bó với một sự kiện có tính lịch sử, văn hóa (như cây đa Bác Hồ) hoặc trong những cây xà cừ 100 tuổi thì phải chọn cây nổi trội như dãy cây xà cừ ở phố Phan Đình Phùng…

Căn cứ vào những tiêu chí phân loại này, nhóm khảo sát xác định Hà Nội có 725 cây cổ quý cần được bảo vệ thuộc 62 loài và 30 họ thực vật khác nhau. Về phân bố, có 596 cây tập trung ở 9 quận nội thành (chủ yếu ở các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm); 129 cây ở 5 huyện ngoại thành. Nhóm khảo sát cũng “đánh dấu” những cây cổ thụ có đặc điểm đặc biệt như: cây cao tuổi (17 cây); cây có kích cỡ lớn (19 cây); cây thuộc gen quý hiếm (6 cây, tập trung chủ yếu ở vườn Bách Thảo).

Trong số này đáng chú ý là vẫn còn 1 cây lim cổ thụ (trên 250 tuổi) trong vườn nhà anh Vũ Đức Kỳ ở xóm 3, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn. Chủ nhân cho biết đây là cây lim còn sót lại của một khu rừng tự nhiên trước đây.

Ngoài ra, nhóm cây cổ thụ cao tuổi nhất đã sống trên 400-700 năm chủ yếu phân bố tại các đình làng, chùa, điển hình như cây bồ đề tại đình Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm) có trên 700 năm tuổi.

Những cây cổ thụ được xếp vào loại đặc biệt đều gắn với những di tích lịch sử: cây thị ở đình Chèm, cây muỗm ở đền Quán Thánh, cây gạo ở Bảo tàng Lịch sử… ; có cây gắn với những dấu tích lịch sử như cây muỗm trên 300 năm tuổi gắn với việc trùng tu đền Quán Thánh (thế kỷ XVII).


Cây đa búp đỏ cao 27 m trong Công viên Bách Thảo. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Cần có chế độ theo dõi, chăm sóc khoa học

Hiện nay, có một thực tế đáng lo ngại là các cây cổ thụ đang có nguy cơ suy giảm do tác động mạnh từ con người, từ quá trình đô thị hóa và cả sự khắc nghiệt của thời gian.

Những kết quả điều tra cho thấy một thực trạng đáng buồn là các cây cổ thụ của Hà Nội đang bị suy giảm cả số lượng và chất lượng vì già cỗi không được chăm sóc, như cây muồng ngủ (vườn Bách Thảo), cây vông nem (hồ Hoàn Kiếm); bị sâu bệnh như cây sao đen (Lò Đúc), cây thị (đình làng Vẽ)…

Nhưng đáng nói hơn cả là cây đã bị chính con người “quật ngã” bởi các hành động vô ý thức như đóng đinh, bóc vỏ, treo biển, đèn quảng cáo, thậm chí vì lợi ích kinh doanh, một số cửa hàng còn ngấm ngầm “bức tử” cây.

“Cây cổ thụ có thể được coi là tài sản quốc gia nhưng thực tế nhiều cây hiện chỉ được quản lý về mặt giấy tờ. Chỉ khi nào mưa bão, cây bị đổ mới thấy người của Công ty cây xanh đến dọn dẹp. Chính vì chưa có cơ quan quản lý chính thức, nên cây cổ thụ ở Hà Nội chưa được chú ý bảo vệ”, ông Cương nhận xét.

Hiện các nhà khoa học đã “khoanh vùng” những cây đang bị xâm hại và đề xuất biện pháp bảo vệ. Cụ thể là, đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm ban hành quy định quản lý bảo vệ cây cổ thụ, trong đó qui định rõ trách nhiệm cụ thể cho đơn vị quản lý cơ sở và hộ gia đình; đồng thời có mức phạt thật nặng những hành vi gây tổn hại đối với cây cổ thụ. Đối với một số cây cổ thụ có giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử và khoa học cần được xem xét để công nhận là di tích văn hoá lịch sử và giao cho Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch Hà Nội quản lý. Một số cây cần được đánh số treo biển, xây dựng lý lịch và có chế độ theo dõi, chăm sóc định kỳ.

Theo ông Nguyễn Nguyên Cương, hiện dữ liệu về bản đồ cây cổ thụ đã cơ bản hoàn thiện.

Bảo vệ các cây cổ thụ ở Hà Nội là việc cần làm và phải làm trên cơ sở khoa học nhằm gìn giữ màu xanh cho thành phố và đó cũng chính là bảo vệ, gìn giữ những di sản quý giá của chúng ta.