Trên 16.600ha đất rừng ở Đắk Nông đang bị người dân lấn chiếm

Hiện nay, trên toàn tỉnh Đắk Nông đang có 16.600/191.888ha đất do các công ty lâm nghiệp Nhà nước, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và chủ rừng khác quản lý đang bị người dân lấn chiếm. Ban chỉ đạo 2337 quyết tâm giúp UBND tỉnh Đắk Nông từng bước xử lý những tồn tại trong lĩnh vực lâm nghiệp và lĩnh vực đất đai trên địa bàn.

Các ngành chức năng huyện Đắk Glong cưỡng chế, thu hồi diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm. Ảnh: D.P.

Ngày 11.8, Ban Chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý đất lâm nghiệp được giao về địa phương quản lý tỉnh Đắk Nông (Ban chỉ đạo 2337) tổ chức họp để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua.

Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 38/39 doanh nghiệp, dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất, với diện tích trên 30.000ha. Trong đó, có khoảng 9.000ha rừng tự nhiên.

Qua đánh giá, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Tình trạng thua lỗ, ngừng hoạt động, tranh chấp đất đai diễn ra phổ biến ở nhiều dự án. Bên cạnh đó thì chủ đầu tư các dự án cũng chưa chấp hành nghĩa vụ thuế với Nhà nước và để rừng bị phá, lấn chiếm.

Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có trên 16.600/191.888ha đất do các công ty lâm nghiệp Nhà nước, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và chủ rừng khác quản lý đang bị lấn chiếm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, Trưởng BCĐ 2337, yêu cầu các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh thu hồi diện tích đất dự kiến giao về cho địa phương quản lý, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về đất đai. Ảnh: L.P.

Theo đề án sắp xếp, đổi mới, phương án sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp, diện tích dự kiến bàn giao về địa phương quản lý là gần 80.000ha. Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định thu hồi hơn 60.000ha giao về cho địa phương quản lý, còn lại chưa thu hồi.

Những diện tích này chưa được đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ chính. Các địa phương chưa rà soát được đối tượng sử dụng đất, thời điểm và hiện trạng sử dụng đất.

Các diện tích giao về cho địa phương chủ yếu bị người dân lấn chiếm, chưa xử lý dứt điểm hợp đồng giao khoán, liên doanh, liên kết. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thống nhất với quy hoạch 3 loại rừng dẫn đến nhiều vị trí quy hoạch bị chồng lấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng kế hoạch tiếp tục giải quyết các tồn tại nêu trên.

Trong đó, các sở, ngành cần tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi diện tích đất dự kiến giao về cho địa phương quản lý, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về đất đai.

Kết thúc phiên họp lần này, Ban chỉ đạo 2337 tỉnh Đắk Nông sẽ họp định kỳ 3 tháng/lần. Ban sẽ cập nhật kết quả đạt được, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ban chỉ đạo 2337 quyết tâm sẽ giúp cho UBND tỉnh Đắk Nông từng bước xử lý những tồn tại trong lĩnh vực lâm nghiệp và lĩnh vực đất đai trên địa bàn.