Tuyệt chủng hàng loạt trong lịch sử là do hai thảm họa

ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Mỹ đã đặt giả thuyết rằng loài khủng long và các sinh vật khác trên trái đất có thể đã bị tuyệt chủng do hậu quả của hai thảm họa chứ không phải là một như các giả thuyết trước kia.

Từ trước đến nay chúng ta vẫn cho rằng 65 triệu năm về trước, một thiên thạch khổng lồ lao vào bán đảo Yucatan ở Mexico đã gây ra tuyệt chủng hàng loạt. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu của Đại học Washington, Hoa Kỳ mới đây đã công bố nghiên cứu cho rằng một số vụ phun trào núi lửa xảy ra khoảng 300.000 năm trước đó đã làm Trái đất nóng lên và hủy diệt sự sống dưới đáy đại dương.

Các nhà nghiên cứu đã giả thuyết rằng khi thiên thạch rơi xuống, những sinh vật dưới đáy biển – phần lớn là sò và ốc – đã chết trước đó do ảnh hưởng từ các vụ phun trào núi lửa ở cao nguyên Deccan, Ấn Độ.

Tác giả chính của nghiên cứu, Thomas Tobin thuộc Đại học Washington, cho biết: “Các trận phun trào núi lửa đã bắt đầu từ 300.000 đến 200.000 năm trước khi vụ va chạm xảy ra, và có những ảnh hưởng kéo dài 100.000 năm”.

Các vụ phun trào núi lửa đã giải phóng nhiều các hạt aerosol vào khí quyển khiến Trái đất ban đầu mát lên, tuy nhiên chúng cũng đồng thời làm ô nhiễm khí quyển bởi khí CO2 và các khí nhà kính khác, kéo dài thêm quá trình nóng lên của Trái đất, là nguyên nhân gây ra thảm họa tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên trong lịch sử.

Đợt tuyệt chủng hàng loạt sau này gây ra bởi vụ va chạm thiên thạch được ước tính đã giết chết nhiều sinh vật bơi lội dưới đáy biển hơn.

Ảnh: Một vỏ ốc hóa thạch lớn khai quật được tại đảo James Ross, bán đảo Nam Cực

Những phát hiện của nghiên cứu dựa trên những dấu vết tại vùng đất nhiều hóa thạch ở đảo Seymour, gần bán đảo Nam Cực. Vùng đất này có những lớp trầm tích lắng dày, có thể gấp tới 10 lần hệ tầng Hell Creek tại Montana (Bắc Mỹ), cung cấp bằng chứng nghiên cứu tốt hơn cho các nhà khoa học.

Nhóm nghiên cứu đã lấy một ít mẫu vật chất trên bề mặt lõi các phiến đá, mảnh hóa thạch ở lớp trầm tích Nam Cực, sau đó sử dụng phương pháp từ địa tầng học (magnetostratigraphy) cho phép xác định thời gian hóa thạch dựa vào những thay đổi đã biết của từ trường Trái đất. Lớp trầm tích dày hơn giúp cho quá trình suy luận thời gian chính xác hơn.

Các bằng chứng đã dẫn các nhà nghiên cứu đến kết luận rằng trong quá khứ đã có 2 sự kiện khác nhau gây nên sự tuyệt chủng hàng loạt..

Tuy vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn rằng sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần 1 đã ảnh hưởng đến đợt thảm họa sau đó, Thomas Tobin cho rằng có thể những cá thể sống sót sau những đợt phun trào núi lửa đã bị tác động khá nhiều và đã không thể tiếp tục sống sót trong điều kiện khí hậu ấm nóng kéo dài gây ra bởi vụ va chạm thiên thạch. Ông cũng cho rằng hai sự kiện này không thể không liên quan đến nhau.