Campuchia nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã

Giới chức và các nhà bảo tồn Campuchia đang kêu gọi hành động mạnh mẽ để ngăn chặn mối đe dọa đối với quần thể động vật hoang dã của xứ chùa tháp, đặc biệt là tình trạng đặt bẫy.

“Số lượng lớn bẫy đặt trong các khu rừng và khu bảo tồn, được thúc đẩy bởi vấn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã, là một trong những yếu tố chính gây khó khăn cho công tác bảo tồn các loài hoang dã ở Campuchia”, tờ Khmer Times dẫn lời người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia Neth Pheaktra tại lễ phát động Chiến dịch Zero-Snaring (tạm dịch: Không đặt bẫy) ở tỉnh Mondulkiri vừa qua.

Triển lãm ảnh về động vật hoang dã bên lề lễ phát động Chiến dịch Zero-Snaring ở tỉnh Mondulkiri (Campuchia). (Ảnh: Tân Hoa xã)

Được biết, Chiến dịch Zero-Snaring là chương trình do Bộ Môi trường Campuchia phối hợp với các đối tác như Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) và Tổ chức Birdlife International… khởi động từ tháng 3-2022 và dự kiến kéo dài trong 6 tháng tại các tỉnh Stung Treng, Preah Vihear, Kratie, Mondulkiri, Kampong Thom và Ratanakiri.

Mục đích của chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân bản địa và các cộng đồng địa phương về tác động của bẫy đối với động vật hoang dã và con người, đồng thời chung tay chấm dứt nạn săn trộm, đặt bẫy và mua bán động vật hoang dã.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Campuchia phải đối mặt với sự suy thoái đa dạng sinh học ngày một nhức nhối. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, có thể kể đến hoạt động đặt bẫy động vật hoang dã. Bộ Môi trường Campuchia thống kê, riêng năm 2021, nước này phát hiện và loại bỏ gần 62.000 bẫy tại 72 khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học trên khắp đất nước, tăng 42% so với năm trước đó.

Trong nửa đầu năm nay, lực lượng chức năng đã tháo gỡ ít nhất 500 bẫy tại khu bảo tồn Lomphat nằm giữa các tỉnh Mondulkiri và Ratanakiri. Theo luật của Campuchia, những người đánh bẫy động vật hoang dã có thể phải đối mặt với án tù từ 1 đến 5 năm và bị phạt tiền lên tới 150 triệu riel (tương đương 37.500USD).

“Chúng tôi khuyến nghị chính quyền cần tăng cường thực thi các biện pháp bảo tồn động vật hoang dã”, Giám đốc WWF tại Campuchia Seng Teak nhấn mạnh.