TP.HCM hướng đến phát triển đô thị carbon thấp

TP.HCM phải tuân thủ kiểm kê, cắt giảm khí nhà kính trong 5 lĩnh vực: sản xuất công nghiệp – nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng…

Tại TP.HCM, xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất – chiếm gần 63%. Ảnh: Saigon Expart Servises

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải khí nhà kính, con số này sẽ tăng lên 30% nếu có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Nghiên cứu mới đây của Viện Môi trường – Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho thấy, tổng phát thải khí nhà kính năm 2019 của TP.HCM là trên 58 triệu tấn CO2. Trong đó, hoạt động công nghiệp phát thải hơn 17,6 triệu tấn CO2. Những ngành có lượng phát thải cao là hóa học (chiếm 63%), dệt may (16,1%), sản xuất kim loại (14,7%)… Các hoạt động giao thông đường bộ phát thải hơn 13,4 triệu tấn CO2, riêng xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất – chiếm gần 63%.

Hiện tại trên địa bàn TP.HCM có 140 cơ sở lớn trong các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, công thương cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg. Sở Tài nguyên – Môi trường đang cực chuẩn bị các bước để cùng các sở, ngành, quận, huyện hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo và xây dựng kế hoạch cắt giảm phát thải theo yêu cầu của Chính phủ.

Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp cần triển khai giải pháp sản xuất xanh. Ảnh: Trung Hậu Construction
Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp cần triển khai giải pháp sản xuất xanh. Ảnh: Trung Hậu Construction

Để triển khai hoạt động này, từ đầu năm 2022, thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thành lập Nhóm công tác chung giữa thành phố và WB về sự phát triển toàn diện và bền vững. Nhóm công tác chung có 8 nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng 8 đề án thành phần, trong đó có Nhóm phát thải carbon thấp.

Góp ý các giải pháp để thành phố triển khai có hiệu quả mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, một số chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố phải tham gia một cách đồng bộ và phải có sự liên kết toàn diện giữa các cá thể, đơn vị với nhau. Từ đó, tạo ra chuỗi liên kết vòng tròn – tuần hoàn đem lại đa giá trị.

Bên cạnh đó với quy định của Bộ Tài nguyên – Môi trường, TP.HCM phải tuân thủ kiểm kê, cắt giảm khí nhà kính trong 5 lĩnh vực, bao gồm: sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, hoạt động sản xuất nông nghiệp, xử lý chất thải. Để có thể giảm khí nhà kính tiến tới phát triển đô thị carbon thấp, thành phố cần có những giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực, cần tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Chẳng hạn, ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp cần áp dụng, triển khai giải pháp sản xuất sạch hơn, sản xuất xanh.

Đối với lĩnh vực năng lượng, phải chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong lĩnh vực giao thông vận tải cần đẩy mạnh kiểm soát khí thải các phương tiện giao thông, phát triển xe điện… Trong nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đối với xử lý chất thải đô thị cần đầu tư các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, thành phố nên xác định lĩnh vực nào phát thải nhiều nhất thì tập trung nguồn lực thực hiện trước, nếu dàn trải sẽ không hiệu quả.