Châu Âu đang trải qua đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất từ trước đến nay với liên tiếp các vụ cháy rừng xảy ra khắp khu vực Địa Trung Hải. Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu là “thủ phạm” chính gây ra tình trạng thời tiết cực đoan nói trên.
Sóng nhiệt nóng hơn và thường xuyên hơn
Biến đổi khí hậu khiến các đợt sóng nhiệt trở nên nóng hơn và thường xuyên hơn. Đây là trường hợp chung của hầu hết các khu vực trên thế giới hiện nay, và đã được xác nhận bởi Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc.
Phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người đã làm Trái đất nóng thêm khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nền nhiệt cơ sở tăng đồng nghĩa mức nhiệt cao hơn có thể được ghi nhận trong các đợt nắng nóng cực đoan.
Nhà khí hậu học Friederike Otto thuộc Đại học Hoàng gia London khẳng định: “Mỗi đợt sóng nhiệt mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay đều có cường độ mạnh hơn và tần suất dày hơn do tác động của biến đổi khí hậu”.
Ngoài ra, các điều kiện khác cũng ảnh hưởng đến các đợt sóng nhiệt, trong đó có hoàn lưu khí quyển – một yếu tố tác động quan trọng ở châu Âu hiện nay.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature mới đây, số đợt sóng nhiệt ở “lục địa già” đã tăng nhanh hơn gấp 3-4 lần so với các vùng vĩ độ trung bình phía bắc khác như Mỹ, nguyên nhân là do những thay đổi của dòng phản lực – luồng không khí di chuyển nhanh từ tây sang đông ở bắc bán cầu.
Tác động của biến đổi khí hậu
Để tìm hiểu chính xác mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với một đợt sóng nhiệt cụ thể, từ năm 2004 các nhà khoa học đã thực hiện hơn 400 nghiên cứu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng, lũ lụt và hạn hán, nhằm tính toán mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với từng hiện tượng.
Quá trình nghiên cứu bao gồm việc mô phỏng khí hậu hiện tại hàng trăm lần và tiến hành so sánh với các mô phỏng khí hậu không có phát thải khí nhà kính do con người gây ra.
Chẳng hạn, các nhà khoa học thuộc World Weather Attribution (WWA) – một sáng kiến quốc tế phân tích tác động của biến đổi khí hậu đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, đã xác định khả năng xảy ra một đợt sóng nhiệt kỷ lục như ở Tây Âu vào tháng 6/2019 ở Pháp và Hà Lan hiện nay cao hơn 100 lần so với trường hợp con người không làm biến đổi khí hậu.
Các đợt sóng nhiệt sẽ ngày càng trầm trọng
Trái đất hiện nóng hơn thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 1,2 độ C, và điều này đã làm gia tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nhà khoa học khí hậu Sonia Seneviratne của ETH Zurich cho biết: “Trung bình trên đất liền, những đợt nắng nóng cực đoan vốn xảy ra 10 năm một lần nếu không có sự tác động của con người đến khí hậu, giờ đây xảy ra thường xuyên hơn gấp 3 lần”.
Nhiệt độ sẽ chỉ ngừng tăng khi con người ngừng thải khí nhà kính vào bầu khí quyển. Cho tới lúc đó, các đợt sóng nhiệt được dự báo sẽ tiếp tục trở nên trầm trọng. Nếu tình trạng biến đổi khí hậu không được giải quyết, nắng nóng cực đoan thậm chí sẽ còn leo thang nguy hiểm hơn.
Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia đã nhất trí cắt giảm lượng khí thải để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C và hướng tới mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C, nhằm tránh những hậu quả tàn khốc nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với các chính sách như hiện tại, thế giới sẽ không thể cắt giảm lượng khí thải đủ nhanh để đạt được bất kỳ mục tiêu nào nói trên.
IPCC cho biết một đợt sóng nhiệt xảy ra một lần mỗi thập kỷ trong thời kỳ tiền công nghiệp sẽ xảy ra 4,1 lần mỗi thập kỷ ở nhiệt độ nóng lên 1,5 độ C và 5,6 lần ở mức tăng 2 độ C.
“Nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5 độ C đồng nghĩa thế giới sẽ đối mặt với nhiều đợt nắng nóng cực đoan hơn trong tương lai”, bà Seneviratne cho hay.
Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng nghiêm trọng hơn
Biến đổi khí hậu làm gia tăng các điều kiện khô nóng khiến các đám cháy lan nhanh hơn, cháy lâu hơn và bùng phát dữ dội hơn.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, khu vực Địa Trung Hải đã chứng kiến mùa cháy rừng bắt đầu sớm hơn và bao phủ diện tích rộng lớn hơn. Chỉ tính riêng năm ngoái, hơn nửa triệu ha rừng đã bị thiêu rụi ở các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), khiến 2021 trở thành mùa cháy rừng tồi tệ thứ hai của khối được ghi nhận kể từ sau năm 2017.
Thời tiết nóng hơn cũng khiến thảm thực vật mất đi độ ẩm, qua đó trở thành nguồn “nhiên liệu” khô giúp các đám cháy lan rộng hơn.
Theo nhà khoa học cấp cao Mark Parrington của Copernicus, điều kiện thời tiết nóng hơn và khô hơn đang làm gia tăng mức độ nguy hiểm của các vụ cháy rừng.
Một số quốc gia như Bồ Đào Nha và Hy Lạp ghi nhận các vụ cháy rừng vào hầu hết các mùa hè, và cũng đã chủ động chuẩn bị cơ sở hạ tầng để cố gắng quản lý và kiểm soát các đám cháy. Tuy nhiên, sự gia tăng nhiệt độ Trái đất đang khiến phạm vi cháy rừng ngày càng lan rộng ra những khu vực trước nay vốn ít ghi nhận các đám cháy và không có nhiều sự chuẩn bị để đối phó.
Biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất gây cháy rừng
Theo thống kê của EU, cùng với biến đổi khí hậu, công tác quản lý rừng và các nguồn phát lửa cũng là những tác nhân quan trọng gây ra các vụ cháy rừng. Ở châu Âu, phần lớn các vụ cháy rừng là do hoạt động của con người gây ra, như đốt phá rừng, tiệc nướng ngoài trời, các đường dây điện, hoặc các mảnh thủy tinh thải ra môi trường.
Nhiều quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, đang phải đối mặt với thách thức thu hẹp dân số ở các vùng nông thôn, khi ngày càng nhiều người dân di chuyển đến các thành phố, qua đó làm suy giảm lực lượng lao động dọn dẹp thực bì khô dễ bắt lửa gây cháy rừng.
Một số hành động có thể giúp hạn chế các vụ cháy rừng nghiêm trọng, chẳng hạn như đốt có kiểm soát để ngăn chặn nguy cơ bắt lửa hoặc tạo ra các khoảng trống trong rừng để ngăn không cho các đám cháy lan rộng hơn.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng nếu không giảm mạnh lượng khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, thế giới sẽ chứng kiến các đợt sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán ngày càng tồi tệ hơn trong tương lai.