Suy giảm voi rừng châu Phi có thể làm tăng CO2 trong khí quyển

Được tìm thấy ở Tây và Trung Phi, voi rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành cấu trúc của rừng mưa nhiệt đới lục địa đen. Tuy nhiên, theo một bài báo mới đăng trên tạp chí Nature Geoscience, loài này hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng và điều này có thể dẫn đến giảm sinh khối rừng và giảm 7% trữ lượng carbon.

Ảnh: Flickr (US Fish and Wildlife Service)

Fabio Berzaghi và các đồng nghiệp đã phân tích tác động của voi lên cấu trúc, năng suất và khả năng lưu trữ carbon của các khu rừng mưa nhiệt đới châu Phi, đồng thời định lượng các hiệu ứng này dựa trên dữ liệu thực địa và mô phỏng mô hình kết hợp với sự quấy nhiễu của voi.

Voi rừng phá những cây có đường kính nhỏ hơn 30 cm nằm trên và gần những con đường mòn chúng di chuyển qua, dẫn đến những thay đổi trong cuộc cạnh tranh về ánh sáng, nước và không gian giữa các cây và thúc đẩy sự xuất hiện của những cây nhỏ hơn và lớn hơn, làm tăng lượng carbon được lưu trữ.

“Hầu hết các loài động vật ăn cỏ khổng lồ hiện đang bị đe dọa, và sự biến mất của chúng có thể gây ra tác động sinh thái quan trọng. Voi, một trong những loài động vật khổng lồ cuối cùng còn lại, được phân loại là dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ tuyệt theo sách đỏ IUCN”, các tác giả xác nhận.

Voi rừng là một phân loài riêng của voi châu Phi. Chúng thích nghi độc nhất vô nhị với sinh cảnh rừng lưu vực Congo và đóng vai trò then chốt trong việc định hình sinh cảnh. Tới 30% các loài cây cần đến chúng để có thể phân tán và nảy mầm.

Nhưng số lượng voi rừng đang giảm nhanh do bị săn trộm lấy ngà, khai khoáng, khai thác gỗ, và mở rộng đường sá. Quần thể voi đã giảm từ 1.200.000 cá thể xuống mức ước tính hiện tại là 415.000 cá thể, theo WWF.

“Các tác động quy mô lớn trên khắp các khu rừng châu Phi phụ thuộc rất nhiều vào khu vực thực tế chịu tác động của voi và vào các mô hình không gian của những con đường mòn”, các tác giả phân tích.

Theo nhóm của Berzhagi, mức giảm 7% dự trữ carbon do giảm số lượng voi rừng có thể đảo ngược nhờ vào các nỗ lực bảo tồn. Điều đó đồng nghĩa với dịch vụ lưu trữ carbon lên tới 43 tỷ USD.

Nhật Anh (Theo ZME Science)

Nguồn:
BVR&MT