Khả năng hồi phục của môi trường sau các thảm họa đã xảy ra

Khi nhận lời viết về chủ đề này, việc đầu tiên là tôi lên mạng tìm hiểu về những bài báo có liên quan đến thảm họa môi trường. Và, một góc nhìn tương đối toàn diện về sự hồi phục kỳ diệu của môi trường sau các thảm họa đã dần hiện ra.

Nhận diện các thảm họa môi trường

Khái niệm về thảm họa môi trường (THMT) được đề cập trong wikipedia tiếng Việt [1]: “Thảm họa môi trường hoặc thảm họa sinh thái là một sự kiện thảm khốc liên quan đến môi trường do hoạt động của con người. Điều này phân biệt thảm họa môi trường so với thảm họa tự nhiên. Nó cũng khác với các hành động chiến tranh có chủ ý như ném bom hạt nhân”. Qua khái niệm này chúng ta có thể chấp nhận vế đầu, coi thảm họa môi trường là sự kiện thảm khốc, có mức tổn hại, mức tàn phá lớn đối với hệ sinh thái, gây tác động lớn, phạm vi rộng đến cuộc sống con người. Định nghĩa này loại trừ vụ việc ném bom nguyên tử của Mỹ xuống hai thành phố Nhật Bản trong năm 1945 vì đó là sự kiện có chủ đích của Mỹ, có thể coi là tội phạm đối với loài người. Thật ra, trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt rõ thảm họa nào hoàn toàn có liên quan đến con người, thảm họa nào chỉ do thiên nhiên gây ra khi mà nhiều thảm họa, tai biến thiên nhiên có gắn với biến đổi khí hậu (BĐKH), nóng lên toàn cầu do gia tăng phát thải khí nhà kính của con người.

Thảm họa, tai biến thiên nhiên có gắn với biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu do gia tăng phát thải khí nhà kính của con người.

Trong mục giải thích từ ngữ của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 của Việt Nam không có từ thảm họa môi trường nhưng có các từ như suy giảm môi trường, sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường.

Tra từ khóa thảm họa môi trường hay environmental dissasters cho ta biết rất nhiều sự kiện thảm khốc liên quan đến môi trường. Chẳng hạn trong [2] đã liệt kê 7 thảm họa thế kỷ 20, 21 như Các cơn bão bụi ở Mỹ (1935); Ô nhiễm không khí ở Anh (1952); Ô nhiễm thủy ngân ở Nhật Bản (1950); Ô nhiễm khí methyl isocyante ở Ấn Độ (1984); Ô nhiễm phóng xạ từ vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Liên Xô cũ (1986); Hỏa hoạn dầu Kuwait (1991) và Ô nhiễm dầu ở vịnh Mexico (2010). Nhiều thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, bão lũ thuộc loại tàn khốc nhất đã được lịch sử ghi lại.

Cơn bão Haiyan.

Biến động địa chất (động đất, chuyển động và va chạm các lục địa, sụt lún…) là loại thảm họa thiên nhiên gây những thiệt hại rất to lớn về người và vật chất, gây thảm cảnh đau thương mà con người phải khắc phục trong thời gian dài. Hình ảnh hai trận động đất trên vùng lục địa Trung Quốc được phát trên truyền hình đã làm cho bao người phải ngậm ngùi thương cho số phận của hàng chục tới hàng trăm nghìn người chết và mức thiệt hại hàng chục, hàng trăm tỷ USD; Đó là trận động đất năm 1976 ở Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc) và năm 2008 tại tỉnh Tứ Xuyên. Động đất lớn trên biển còn kéo theo sóng thần càn quét nhiều vùng ven biển, cuốn theo nhiều người, làng mạc ra biển, điển hình là trận động đất lớn gây ra sóng thần khổng lồ trên khắp Ấn Độ Dương ngày 26/12/2004 đã làm khoảng 230.000 người trên khắp 14 quốc gia thiệt mạng.

Bão kèm theo lũ lụt cũng là thảm họa mang đến thiệt hại cực lớn, là nỗi kinh hoàng cho những người dân ở những vùng chịu nhiều ảnh hưởng. Chẳng hạn, cơn bão Haiyan (Hải Yến) năm 2013 đã đổ bộ, tàn phá Philippines và một số nước khác (trong đó có Việt Nam) gây thiệt hại lớn cả về về sinh mạng và tài sản (xem bảng 1) hay Katrina là cơn bão gây thiệt hại vật chất lớn nhất, và thiệt hại nhân mạng nhiều thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ (số người chết gần 2.000 người và thiệt hại khoảng 125 tỷ USD).

Bảng 1. Thiệt hại về người và của do bão Hải Yến gây ra [3]

Nếu coi thảm họa môi trường là sự kiện thảm khốc xảy ra trên Trái đất thì có thể kể ra nhiều thảm họa khác dẫn đến tuyệt chủng nhiều loài, hạn hán, sa mạc hóa, dịch bệnh (dịch Covid-19 đã gây ra cái chết cho hơn 6 triệu người tính đến tháng 5/2022)… Một số người còn liệt kê cả chiến tranh như thảm họa kinh khủng dẫn đến cái chết của hàng chục triệu người, sự tàn phá của hàng chục hàng trăm thành phố, làng mạc mà điển hình là hai thế chiến trong Thế kỷ 20.

Sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico hồi năm 2010.

Con người cũng đã hình dung nhiều thảm họa có thể xảy ra trong tương lai dẫn đến tiêu diệt sự sống trên Trái đất mà nhiều trong số đó được trình bày trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Ví dụ, nếu một thiên thể đủ lớn va vào Trái đất có thể tung vào khí quyển lượng bụi rất dày, ngăn bức xạ Mặt trời xuống bề mặt Trái đất, nguồn năng lượng cốt yếu cho sự sống sẽ mất và sự sống có thể biến mất. Sự nóng lên toàn cầu và nhiều hiện tượng cực đoan xuất hiện trong giai đoạn đỉnh điểm của BĐKH, sự tàn phá, hủy diệt nhiều vùng rừng hiện có của Trái đất, sự cạn kiệt của tài nguyên, bóng ma của chiến tranh hủy diệt, chiến tranh hạt nhân, chiến tranh Thế giới thứ ba và nhiều mối đe dọa khác cũng có thể gây thảm họa môi trường ở mức độ khác nhau mà con người phải đặc biệt quan tâm, nghiên cứu để tránh hoặc giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra. Trong Tạp chí điện tử Môi trường [4] ngày 30/3/2018 đã liệt kê một số thảm họa chính đe dọa con người và Trái đất, bao gồm:

  • Đất đai bị suy thoái
  • Sự biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn năng lượng và hiệu ứng nhà kính đang đe dọa toàn nhân loại
  • Giảm tính đa dạng động thực vật
  • Diện tích rừng giảm sút
  • Ô nhiễm hóa chất
  • Đô thị hóa vô tổ chức
  • Diện tích mặt biển và đại dương sẽ tăng quá mức
  • Không khí bị ô nhiễm nặng nề
  • Lỗ thủng tầng ozon ngày càng rộng ra ở vùng cực
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vài tuần sau thảm họa năm 1986.

Nhiều trong số thảm họa này đang được toàn thể nhân loại vào cuộc, tìm cách giải quyết với nhiều hoạt động hiệu quả.

Thảm họa xảy ra là điều đa số con người không mong muốn, trừ một số kẻ điên cuồng, bệnh hoạn cố tình gây chiến tranh nhằm thỏa mãn những ý đồ ích kỷ của một nhóm người nào đấy. Thảm họa thiên nhiên là điều được coi là bất khả kháng, nghĩa là con người và hệ sinh thái phải chịu đựng, hầu như không thể loại bỏ. Con người chỉ có thể tìm cách dự báo khả năng xuất hiện của chúng và giảm thiểu tác hại do chúng gây ra, Các thảm họa do con người thiếu hiểu biết, vô tình gây nên thì nhân loại nói chung và các cộng đồng nói riêng phải xem xét các nguyên nhân để giảm thiểu nguy cơ do mình gây ra, tìm cách giảm cường độ thảm họa và giảm đến mức tối đa thiệt hại do thảm họa gây ra.

Thảm họa môi trường năm 2016 do Công ty Formosa.

Việt Nam là một phần của Trái đất, cũng chịu tình trạng chung của các thảm họa môi trường. Với thảm họa thiên nhiên, Việt Nam hàng năm chịu ảnh hưởng của các cơn bão kèm gió mạnh, mưa lớn gây ra cái chết cho hàng chục, thậm chí đến trăm nghìn người chết và mức thiệt hại vật chất to lớn. Trận lụt lịch sử 1971 đã cướp đi sinh mạng của gần 100 nghìn người dân ở miền Bắc hay cơn bão Linda (1997) cũng cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người ở các tỉnh ven biển Đồng bằng Nam bộ. Nạn đói năm 1945 gây cái chết cho hàng triệu người ở miền Bắc do thiên tai cộng với địch họa là thảm họa không dễ quên đối với người Việt Nam. Thảm họa do chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng để phát quang nhiều thảm thực vật ở Việt Nam cũng là nỗi ám ảnh cho Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung với những hậu quả to lớn (kể cả gây dị tật thai nhi – con của người nhiễm) đến tận nhiều năm về sau.

Thảm họa môi trường năm 2016 do Công ty Formosa 1.

Thảm họa môi trường năm 2016 do Công ty Formosa gây ra hiện tượng thủy sản chết lan trên diện rộng, bắt đầu từ vùng ven biển Hà Tĩnh, lan tiếp dọc ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Sự cố này đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân.

Các thảm họa nêu trong [4] đều ít nhiều xuất hiện ở Việt Nam nên chúng ta luôn phải quan tâm.

Các thảm họa môi trường đã xảy ra, đã gây hậu quả môi trường nhưng rất may sau đó hậu quả do nó gây ra dần được khắc phục và nhiều thành phần môi trường, chức năng môi trường dần được hồi phục. Vấn đề đặt ra là, con người phải tăng cường nghiên cứu để hiểu và tìm được giải pháp dự báo khả năng xảy ra, giải pháp giảm thiểu thiệt hại, giải pháp hỗ trợ hệ sinh thái cũng như các thành phần môi trường dần hồi phục.

Khả năng hồi phục sau thảm họa môi trường

Môi trường tự nó có thể hồi phục sau các thảm họa. Cũng phải thừa nhận là phạm vi xảy ra thảm họa tuy lớn nhưng vẫn chỉ là một phần của Trái đất rộng lớn của chúng ta. Vì vậy, với chức năng và khả năng tự hồi phục của các loại tài nguyên tái tạo như rừng, các loài động, thực vật và khả năng đồng hóa chất thải (khả năng tự làm sạch) của các thành phần môi trường (đất, nước, không khí…) mà nhiều thảm họa đã chấm dứt gây tác hại và môi trường dần phục hồi các chức năng của mình. Với sự phát triển nhanh của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và ý thức BVMT lên cao, con người đã tìm được nhiều cách thức hỗ trợ để môi trường nhanh hồi phục như trồng, tu bổ rừng, xử lý chất thải, nâng cao khả năng dự báo thảm họa để chủ động ứng phó và nhiều giải pháp hiệu quả khác. Dưới đây xin nêu một vài ví dụ mà môi trường với sự hỗ trợ của con người đã nhanh chóng hồi phục sau thảm họa.

Đến năm 1920, rừng ở Mỹ đã bị khai thác đến mức kiệt quệ nhưng Chính phủ và nhân dân nước này đã quyết tâm gây lại rừng (trồng, tu bổ, bảo vệ,…) nên đến nay diện tích phủ rừng của Mỹ đã ở mức cao.

  • Ô nhiễm không khí (khói mù London) ở Anh năm 1952 đã được nhanh chóng nhận dạng và khống chế và không lâu sau đó chất lượng không khí trở lại mức bình thường.
  • Bằng nhiều biện pháp công nghệ, thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã được khống chế, đến nay nhiều vùng xung quanh đã trở lại hoạt động bình thường.
  • Nhiều vùng chịu thảm họa do động đất, bão lũ, sóng thần đã được xây dựng lại khang trang hơn, các dấu tích thiệt hại đã dần đi vào quên lãng.
  • Dịch CoVid-19 đã từng bước được khống chế, nhân loại đang dần trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới.
  • Thảm họa Formosa ở Việt Nam cũng đã được khống chế, hoạt động đánh bắt thủy sản ở các vùng biển chịu ảnh hưởng đã trở lại bình thường.

Và nhiều thảm họa khác cũng đã được hồi phục do môi trường và con người cùng cố gắng. Tuy nhiên, không thể ỷ lại vào khả năng tự hồi phục của tự nhiên mà tiếp tục những hoạt động của con người có nguy cơ gây ra hoặc tăng cường thảm họa trong tương lai.

May mắn là nhân loại đã và đang vào cuộc để đẩy lùi nguy cơ xảy ra các thảm họa (các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu được thông qua ở COP26 là một ví dụ). Chúng ta có thể hy vọng rằng, con người với trí tuệ siêu việt của mình, với trình độ phát triển rất cao của khoa học – kỹ thuật – công nghệ, sẽ có thể dự báo, nhận biết sớm các thảm họa môi trường để tìm ra giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của chúng, đảm bảo cuộc sống lâu dài của mình và của muôn loài trên hành tinh xanh – Trái đất của chúng ta.

Tài liệu tham khảo

[1]. Thảm họa môi trường, Wikipedia tiếng Việt.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3m_h%E1%BB%8Da_m%C3%B4i_tr%C6%B0%E1%BB%9Dng

[2]. Báo Sức khỏe, 2016, 7 thảm họa môi trường khủng khiếp nhất trong lịch sử.

https://suckhoecong.vn/7-tham-hoa-moi-truong-khung-khiep-nhat-trong-lich-su-d40075.html

[3]. Wikipedia tiếng Việt, Bão Haiyan (2013)

https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A3o_Haiyan_(2013)

[4]. Tạp chí Môi trường ngày 30/3/2018, 10 thảm họa môi trường đe dọa con người và Trái đất

http://tapchimoitruong.vn/dien-dan–trao-doi-21/10-th%E1%BA%A3m-h%E1%BB%8Da-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-v%C3%A0-Tr%C3%A1i-%C4%91%E1%BA%A5t-14821