Bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 trên toàn cầu

Kể từ tháng 10/2021 đến nay, virus H5N1 đã gây ra gần 3.000 ổ dịch gia cầm ở hàng chục quốc gia. Hơn 77 triệu con gia cầm đã bị tiêu hủy để hạn chế virus này lây.

Virus H5N1 – hầu như luôn gây bệnh nặng hoặc chết ở gà – cũng đang lây lan trong các loài chim hoang dã nhanh hơn bất kỳ đợt dịch cúm gia cầm nào trước đây, vì thế rất khó ngăn chặn virus lan ra khắp thế giới do quá trình di cư của chim. Dựa vào mô hình di cư của chim, dự kiến các khu vực ở châu Á và châu Âu sẽ tiếp tục xuất hiện ​​các đợt bùng phát lớn và virus có thể lan sang các lục địa hiện chưa bị ảnh hưởng như Nam Mỹ và Úc.

Người có thể nhiễm virus, nhưng trường hợp này không phổ biến. Mới chỉ có hai trường hợp lây nhiễm ở người được báo cáo kể từ tháng 10, một trường hợp ở Vương quốc Anh và một ở Mỹ. Nhưng các nhà khoa học lo ngại rằng nếu virus tiếp tục lưu hành trong các quần thể chim, nguy cơ lây lan sang người sẽ tăng cao. Virus cúm thay đổi theo thời gian, và càng tồn tại lâu thì càng có nguy cơ xuất hiện một đột biến khiến nó có thể lây nhiễm sang người và các loài khác.

Sếu là một trong những loài đang chết với số lượng lớn vì cúm gia cầm.

Khoảng 400.000 con chim hoang dã đã chết trong 2.600 vụ dịch H5N1 riêng lẻ trên toàn cầu kể từ tháng 10 – gấp đôi con số ghi nhận trong đợt cúm gia cầm lớn gần đây nhất, vào năm 2016–17. Theo dõi tình hình dịch bệnh ở chim hoang dã sẽ giúp các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên thế giới kịp thời chuẩn bị ứng phó với các đợt bùng phát sắp tới. Đây là công việc đòi hỏi nhiều nguồn lực và đầy thách thức do quy mô quần thể của chim hoang dã rất lớn. Và dù việc theo dõi có hiệu quả đến thế nào, các khu vực chăn nuôi gia cầm lớn hoặc khu vực di cư của các loài chim vẫn đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

Mặc dù có thể tiêu hủy các quần thể gia cầm để ngăn chặn virus lây lan, nhưng làm vậy với các loài chim hoang dã không mang lại hiệu quả, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, vì quần thể này có kích thước khổng lồ và phạm vi hoạt động rộng lớn. Giết chim hoang dã thậm chí có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn, vì làm gián đoạn các chuyển động và hành vi của chim hoang dã.

Bởi vậy, các nhà nghiên cứu đề xuất một cách tiếp cận tổng thể, xem xét cách thức lây lan của virus cúm gia cầm qua các loài chim hoang dã, gia cầm và người. Các nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và các nhóm sức khỏe động vật cần hợp tác để tiếp tục ghi nhận các sự kiện lây nhiễm ở người. Họ tin rằng, nếu kiểm soát được virus này ở gia cầm, thì sẽ kiểm soát được virus ở người và khả năng là cả ở các loài chim hoang dã.

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-022-01338-2