Mời góp ý dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2020 – 2030 do Bộ TN&MT xây dựng nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Theo dự thảo này, việc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước nhằm bảo vệ, duy trì đa dạng sinh học và đặc tính sinh thái các vùng đất ngập nước; mang lại lợi ích từ các dịch vụ hệ sinh thái cho thế hệ hiện tại và duy trì tiềm năng để đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Đồng thời, đảm bảo hài hòa giữa các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các vùng đất ngập nước của Việt Nam.

Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen – tỉnh Long An

Phục hồi các vùng đất ngập nước bị suy thoái

Mục tiêu đặt ra là bảo tồn các vùng đất ngập nước ở Việt Nam thông qua việc thúc đẩy phát triển các giá trị sinh thái, văn hóa, kinh tế và xã hội của vùng đất ngập nước trên toàn quốc, đồng thời huy động được sự tham gia của các bên có liên quan, cộng đồng, các khu vực tư nhân trong quản lý và sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam về quản lý đất ngập nước và đa dạng sinh học, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước.

Cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam sẽ kiện toàn hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý và cơ chế phối hợp liên ngành cấp trung ương và địa phương về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Tăng cường năng lực quản lý đất ngập nước ở cấp trung ương và địa phương về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam. Hoàn thành việc kiểm kê, phân loại đất ngập nước Việt Nam và lồng ghép cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học, dữ liệu kiểm kê đất đai.

Phục hồi ít nhất 10% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu suy thoái; thành lập được 5 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công 03 khu Ramsar. Triển khai các mô hình công – tư, mô hình kết hợp sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý, sử dụng khôn khéo tài nguyên và dịch vụ hệ sinh thái các vùng đất ngập nước quan trọng. Nâng cao nhận thức, sự tham gia, ủng hộ của xã hội về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên toàn quốc. Mạng lưới các khu Ramsar được mở rộng và vận hành hoạt động có hiệu quả.

Vườn quốc gia Xuân Thủy – Nam Định

Đến năm 2030, sẽ đảm bảo tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức quản lý, bảo tồn và sử dụng khôn khéo. Phục hồi 25% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng; thành lập được ít nhất 10 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công ít nhất 05 khu Ramsar trên toàn quốc. Các mô hình phối hợp quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên và dịch vụ môi trường được áp dụng ở các khu bảo tồn đất ngập nước. Nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar, các hoạt động về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng được đảm bảo từ ngân sách nhà nước ở trung ương, địa phương và các nguồn lực xã hội hoá khác.

8 chương trình hành động

Để đạt được mục tiêu này, dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia đề ra 8 chương trình hành động.

Theo đó, sẽ kiện toàn hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về quản lý đất ngập nước. Đó là xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019 về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Xây dựng, ban hành và phổ biến các hướng dẫn kỹ thuật về quản lý, phục hồi, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc. Xây dựng hướng dẫn về chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và phương án chia sẻ lợi ích tại các vùng đất ngập nước quan trọng nhằm đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước. Xây dựng và trình ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar và vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn. Lồng ghép nội dung bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng vào quy hoạch quốc gia về đa dạng sinh học và quy hoạch tỉnh.

Mặt khác, sẽ thống kê, kiểm kê; điều tra, đánh giá, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước; quan trắc, theo dõi diễn biến các vùng đất ngập nước quan trọng. Đồng thời, thành lập mới các khu bảo tồn đất ngập nước và mở rộng Mạng lưới các khu Ramsar ở Việt Nam. Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý và khuyến khích sử dụng bền vững tài nguyên vùng đất ngập nước quan trọng.

Đặc biệt, chú trọng phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái, như ưu tiên phục hồi chế độ thủy văn, đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước bị suy thoái trong khu bảo tồn đất ngập nước hoặc phục hồi đa dạng sinh học, chế độ thủy văn của vùng đất ngập nước quan trọng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp Mười, Long An, Kiên Giang, Cà Mau…), vùng ven biển miền Trung (Tam Giang- Cầu Hai, Đầm Ô Loan…), Cửa sông ven biển sông Hồng (Thái Thuỵ, Tiền Hải, Xuân Thuỷ,…).

Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai nổi tiếng bởi hệ thực vật phong phú và hàng trăm loại thuỷ hải sản có giá trị.

Ngoài ra, sẽ tăng cường thực hiện Công ước Ramsar và thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học – công nghệ về đất ngập nước.

Để dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2020 – 2030 được hoàn thiện và triển khai hiệu quả trên thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị quý độc giả góp ý cho các nội dung của dự thảo Kế hoạch hành động. Toàn văn dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường (monre.gov.vn).

Độc giả cũng có thể gửi văn bản góp ý gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo địa chỉ: Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học – Tổng cục Môi trường; số 10 Tôn Thất Thuyết, Nam Từ Liêm, Hà Nội; điện thoại: (04)37956868, máy lẻ 3111/di động: 0986101328, fax: (04)39412028, email: ngadtq@vea.gov.vn trước ngày 05 tháng 12 năm 2019.