DNA của loài chim Moa tuyệt chủng cung cấp cái nhìn mới về biến đổi khí hậu

Một nghiên cứu mới của Đại học Otago (New Zealand) cho biết DNA của loài chim Moa cổ đại đã mở ra những hiểu biết sâu sắc về cách mà động vật ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tranh vẽ của một nghệ sĩ về cảnh đại bàng tấn công chim Moa. Ảnh minh họa: John Megahan

Bằng cách phân tích DNA cổ đại của Eastern Moa (tạm dịch: loài chim Moa phía Đông) đã tuyệt chủng, các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Động vật học của Đại học Otago cho biết, loài chim này thường có xu hướng thay đổi môi trường sống của mình khi khí hậu thay đổi.

Tiến sĩ Alex Verry, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, trong thời kỳ Holocen, khi khí hậu ấm hơn, loài Moa phía Đông đã xuất hiện ở khắp phía Đông và phía Nam của Đảo Nam, New Zealand. Tuy nhiên, trong thời kỳ băng hà cuối cùng hay còn gọi là giai đoạn cực đại của Kỷ Băng hà vào khoảng 25.000 năm trước, chúng hầu như không sinh sống tại phía Nam của đảo này nữa.

Trong cùng khoảng thời gian đó, nếu như loài Moa chân lớn lại sống và phát triển tại khu vực phía Nam và phía Bắc của Đảo Nam thì loài Moa vùng cao lại phân bổ ở 4 phía khác nhau.

Theo Tiến sĩ Verry, đặc tính di cư của loài Moa phía đông khiến cho quy mô và sự đa dạng di truyền của loài suy giảm rõ rệt. Thời kỳ băng hà cuối cùng đã gây ra sự tắc nghẽn di truyền, nghĩa là trong cùng khu vực, sự đa dạng di truyền của loài Moa phía Đông thấp hơn nhiều so với các loài Moa khác.

Tờ Biology Letters của Hiệp hội Hoàng Gia Anh đã công bố nghiên cứu và cho biết đây là lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu thành công trong việc giải trình tự DNA thông lượng cao với số lượng gen lên đến hàng triệu đoạn, giúp ích cho việc nghiên cứu loài Moa ở cấp độ quần thể.

Theo nghiên cứu, trong quá khứ, biến đổi khí hậu có tác động đến các loài động vật theo nhiều cách khác nhau và mô hình “one for all” (tạm dịch: một cho tất cả) là không hợp lý. Điều này đã đặt ra câu hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra khi các loài động vật cố gắng thích ứng với biến đổi khí hậu? Liệu chúng có cố gắng di cư đến các khu vực mới để tồn tại?

Tiến sĩ Nic Rawlence, đồng tác giả của nghiên cứu, Giám đốc Phòng thí nghiệm Di truyền cổ Otago, New Zealand cho biết, nghiên cứu này là một minh chứng hiếm hoi cho tác động của biến đổi khí hậu lên các loài động vật lớn đã tuyệt chủng ở New Zealand.

Ông khẳng định: “Việc sử dụng các di tích hóa thạch để nghiên cứu chính là sức mạnh của cổ sinh vật học, cung cấp chìa khóa cho các câu hỏi về các loài động vật của New Zealand. Điều này trái ngược hoàn toàn so với trước đây, khi hầu hết các nghiên cứu và mối quan tâm đều tập trung vào các loài Âu-Á hoặc Mỹ”.