Trung Quốc chứng kiến nước biển dâng cao kỷ lục năm 2021

Mực nước biển ở Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, nguyên nhân là do nhiệt độ nước biển tăng và sự tan chảy của các sông băng và các chỏm băng ở vùng cực.

Về lâu dài, nước biển dâng cao sẽ gây xói mòn hệ sinh thái ven biển và mất bãi triều. (Ảnh minh họa: Reuters)

Cuối tuần qua, Trung tâm Giám sát Môi trường Biển Quốc gia, một đơn vị nghiên cứu trực thuộc Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, công bố báo cáo thường niên cho thấy, năm 2021 nước này ghi nhận mực nước biển ven bờ cao hơn 84 mm so với mức trung bình của giai đoạn 1993-2011.

Cơ quan này cảnh báo mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu đang gây ra “tác động liên tục” đến quá trình phát triển của các vùng duyên hải, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách cải thiện công tác giám sát và tăng cường cảnh báo sớm cũng như các nỗ lực phòng ngừa.

Cũng theo trung tâm, về lâu dài nước biển dâng cao sẽ gây xói mòn hệ sinh thái ven biển và mất bãi triều, trong khi các thành phố duyên hải sẽ đối mặt với nguy cơ lũ lụt và xâm nhập mặn lớn hơn.

Mực nước biển ven bờ ở Trung Quốc đã tăng trung bình 3,4 mm mỗi năm kể từ 1980, cao hơn mức trung bình toàn cầu trong cùng giai đoạn.

Mặc dù nhiệt độ các vùng biển ven bờ của nước này đã giảm nhẹ trong năm 2021 so với năm trước đó, tuy nhiên vẫn cao thứ 3 trong lịch sử và cao hơn 0,84oC so với mức trung bình giai đoạn 1993-2011.

Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc năm ngoái dự báo mực nước biển ven bờ sẽ tăng thêm 55-170 mm trong 3 thập kỷ tới, đòi hỏi chính phủ nước này phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ các vùng duyên hải.

Các thành phố ven biển phía đông Trung Quốc đã bắt đầu lên kế hoạch dự phòng nhằm đối phó với tình trạng nước biển dâng, trong đó Thượng Hải đang xem xét xây dựng hệ thống cống thoát nước và cửa ngăn thủy triều mới.