Kỳ vọng sớm có hướng sửa Luật Đất đai

Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), ông Trịnh Lê Nguyên kỳ vọng từ Hội nghị này sẽ có phương hướng rõ ràng sửa đổi Luật Đất đai.

Gỡ bỏ rào cản, giảm xung đột xã hội

 – Thưa ông, Hội nghị Trung ương 5 lần này sẽ thảo luận về 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai (Nghị quyết 19/NQ-TW). Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào?

​​​​​“Cả nước hiện có 256 công ty nông, lâm nghiệp quản lý diện tích đất đai khá lớn với 9,1 triệu hecta. Phần lớn các công ty do Nhà nước nắm cổ phần chi phối này được đánh giá hoạt động chưa hiệu quả, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Trong khi đó, ở nhiều khu vực người dân vẫn rất cần nguồn lực đất đai phục vụ cho sản xuất, bảo đảm sinh kế. Do đó, cần tính toán hiệu quả lợi ích, chi phí và nhu cầu đất sản xuất của người dân để có giải pháp căn cơ hơn cho diện tích đất đai đang được các doanh nghiệp này nắm giữ. Và cũng cần đặt câu hỏi về sự phù hợp của mô hình công ty nông, lâm nghiệp này trong bối cảnh hiện nay”.

TRỊNH LÊ NGUYÊN

Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)

– Chính sách đất đai vẫn còn nhiều bất cập, để lại nhiều hệ lụy về kinh tế – xã hội, là nguyên nhân tiềm tàng của các xung đột từ mức độ gia đình đến các mâu thuẫn quy mô lớn hơn giữa các bên. Lĩnh vực đất đai chiếm đến hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại trong thời gian qua. Do đó, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW nhằm có phương hướng cải cách chính sách quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất đai là rất cần thiết. Điều này không những để cởi bỏ rào cản, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế mà còn giảm thiểu rủi ro xung đột xã hội, bảo đảm các mục tiêu về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

– Trong phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Hội nghị “thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân”; tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng… Quan điểm của ông về chỉ đạo này?

– Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư là rất cần thiết nhằm làm rõ bản chất của các vấn đề. Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu Hội nghị chú ý những nội dung còn có ý kiến khác nhau như: Nhận thức như thế nào cho thật đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với vị trí, vai trò là đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất…

Theo tôi, nên chăng, khái niệm “sở hữu toàn dân” cần được diễn giải rộng mở hơn theo hướng đất đai là nguồn công sản, phục vụ các mục đích phát triển chung của xã hội. Từ đó, có thể có các hình thức sở hữu công khác nhau với mục tiêu giải phóng nguồn lực và bảo vệ được lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Phải giữ được đất rừng!

– Đất đai là lĩnh vực rộng lớn, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu. Vậy theo ông, việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai tới đây cần bảo đảm định hướng như thế nào?

– Bên cạnh phục vụ mục đích phát triển kinh tế – xã hội, cần quy hoạch quỹ đất tương xứng cho mục đích bảo vệ các giá trị môi trường, bảo tồn thiên nhiên, ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu. Nhất thiết phải bảo đảm ổn định diện tích đã được quy hoạch cho rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; có phương án mở rộng thêm diện tích này để bảo đảm mục tiêu an ninh môi trường, bảo tồn thiên nhiên và phục hồi sinh thái. Thế giới đang chung tay cho Thập kỷ Phục hồi sinh thái (do Liên Hợp Quốc phát động cho giai đoạn 2021 – 2030), diện tích đất quy hoạch cho mục đích này cần được ổn định trong thời gian dài để thiên nhiên hồi phục các chức năng sinh thái, phục vụ cho nhu cầu của xã hội.

Trong bối cảnh phân cấp quản lý như hiện nay, cần có cơ chế giám sát và quản lý chặt chẽ hơn đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tránh tình trạng một số địa phương vẫn tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phục vụ nhu cầu cục bộ như thời gian vừa qua.

Mô hình trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu, phục hồi sinh thái tại khu vực Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, cần đưa mục tiêu phục hồi suy thoái đất đai vào trong các chính sách mới – cũng là đóng góp của Việt Nam cho mục tiêu của Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái. Năm 2016, nước ta có khoảng 10 triệu hecta đất có nguy cơ hoang mạc hóa, tương đương 31% tổng diện tích, nguyên nhân được cho là do mất rừng, xói mòn đất, kỹ thuật canh tác lạc hậu, ô nhiễm từ các hoạt động khai thác tài nguyên và tác động biến đổi khí hậu.

Việc phục hồi sinh thái sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội cũng như mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu. Đối với đất nông nghiệp bị suy thoái cần có các hành động cải tạo đất, thay đổi phương thức canh tác theo hướng thân thiện với thiên nhiên và giảm thiểu việc sử dụng hóa chất. Nếu tính tổng cả 2 loại rừng nghèo và rừng nghèo kiệt, vẫn còn khoảng 41% diện tích rừng có thể gia tăng lượng lưu giữ các-bon thông qua các hoạt động làm giàu rừng và phục hồi rừng.

– Ông kỳ vọng gì vào việc tổng kết Nghị quyết số 19 lần này?

– Tôi hy vọng sẽ có phương hướng rõ ràng cho việc sửa đổi Luật Đất đai. Theo đó, các vướng mắc và tồn tại cơ bản sẽ được giải quyết trên cơ sở tổng kết những bài học thực tiễn cũng như kiến nghị, đóng góp của giới chuyên gia và các bên liên quan trong thời gian qua.

– Xin cảm ơn ông!