Giải pháp xử lý rác thải FO điều trị tại nhà

Nếu không tìm được giải pháp phù hợp, lượng rác thải của những người nhiễm COVID được điều trị tại nhà đang ngày càng gia tăng sẽ không chỉ góp phần gây áp lực lên môi trường mà còn tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nguy hại nhưng khó xử lý

Chất thải y tế, hoặc chất thải có nguy cơ lây nhiễm vốn được coi là một loại rác thải đặc biệt chỉ phát sinh ở một số nơi như bệnh viện. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Hà Nội cũng như các địa phương trong thời gian gần đây, số ca nhiễm ngày càng nhiều, phần lớn người bệnh ở mức độ nhẹ sẽ được điều trị tại nhà. “So với tháng trước, số ca mắc mới hiện nay tăng 170%, tỉ lệ được quản lý điều trị tại nhà khoảng 87%, tức là khoảng hơn 1 triệu ca”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết trong hội thảo về xử lý rác thải cho F0 tại nhà do Bộ Y tế tổ chức vào tháng 3/2022.

Ngay từ khi chưa có quy định điều trị F0 tại nhà, các bệnh viện đã rất vất vả trong vấn đề xử lý chất thải y tế COVID. Nguồn: suckhoedoisong.vn

Tình trạng này dẫn đến lượng chất thải của F0 điều trị tại nhà phát sinh rất lớn. “Trong phòng chống dịch, nếu không quản lý tốt các chất thải của các đối tượng bị nhiễm thì chắc chắn sẽ trở thành nguồn phát tán không nhỏ”, ông nói. Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bề mặt các loại túi nhựa, giấy, khẩu trang… đã qua sử dụng từ vài giờ đến vài ngày, tùy theo điều kiện môi trường, trong đó nhựa là một trong những bề mặt có khả năng tồn tại virus lâu nhất (khoảng 1 ngày). Một số báo cáo cho thấy, virus còn tồn tại khoảng 9 ngày trên bề mặt nhựa, kim loại hoặc thủy tinh. Theo các nhà nghiên cứu, điều đáng lo ngại là nhựa chiếm ưu thế với tỉ lệ 76,7% trong chất thải COVID-19 ở Việt Nam.

Do vậy, ngay từ khi cho phép người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà, Bộ Y tế đã ban hành quy định phân loại chất thải của F0 tại nhà là chất thải lây nhiễm (có nguy cơ chứa SARS-CoV-2). Cụ thể là những chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của người F0 đang được quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ); khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0. Các chất thải trên được phân loại vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài ghi chữ “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. “Yêu cầu này hết sức đơn giản, dễ làm, chỉ cần bỏ vào túi riêng buộc kín ghi chữ như vậy là đủ, nhân viên thu gom sẽ mặc trang phục phòng hộ tới tận cửa thu gom, bỏ vào thùng có nắp đậy để mang đi, như vậy là an toàn”, TS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), nhận xét.

Về phần xử lý, chất thải lây nhiễm F0 không thể xử lý theo phương pháp chôn lấp phổ biến mà phải áp dụng công nghệ đốt hoặc hấp tiệt trùng. Sự đa dạng về công nghệ dẫn đến vướng mắc trong đơn giá xử lý rác. Trên thực tế, “đơn giá và định mức cho công tác thu gom, xử lý rác hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ, trên địa bàn Hà Nội chỉ tính riêng công nghệ đốt cũng có nhiều công nghệ khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay chưa có định mức cụ thể cho từng loại, dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn các đơn vị thu gom đảm bảo tiêu chuẩn, có đơn giá hợp lí và tiết kiệm ngân sách”, đại diện Sở TN&MT Hà Nội nói. “Điều này đặc biệt quan trọng với những địa phương không có cơ sở xử lý tại địa phương như chúng tôi, rất cần đơn giá tổng quát chung về việc vận chuyển ra tỉnh ngoài và xử lý tại các cơ sở đủ điều kiện như thế nào”, theo đại diện Sở TN&MT Quảng Ninh.

Trước đại dịch, tình trạng thiếu đơn giá thống nhất cho công nghệ xử lý rác ở các địa phương lâu nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả xử lý rác thải, vì nơi nào trả giá thấp sẽ khó thu hút được đơn vị có công nghệ tốt. “Hiện nay, đơn giá mà các địa phương trả cho xử lý rác bằng phương pháp đốt còn thấp. Nếu làm chuẩn công nghệ sẽ rất khó khăn; nếu làm không chuẩn thì chỉ được 2 – 3 năm là ‘vỡ trận’, rác không xử lý được và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Việc bảo vệ đơn giá của doanh nghiệp thậm chí còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính cá nhân, do vậy, rất rủi ro khi đầu tư lớn và dài hạn”, ông Nguyễn Đình Trọng – Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ T-TECH trả lời trên báo Tài nguyên & Môi trường năm 2019.

Thực thi theo quy định không dễ

Mặc dù TS. Nguyễn Thanh Hà cho rằng quy định về phân loại rác thải F0 tại nhà đơn giản và dễ áp dụng nhưng trên thực tế, thực thi quy định này ở các địa phương lại gặp không ít khó khăn. Một trong những vấn đề muôn thuở chính là phân loại rác. “Thực tế hiện nay nhiều F0 không khai báo với chính quyền địa phương và cơ sở y tế, rác thải của họ vẫn để chung với rác thải sinh hoạt thông thường nên nhân viên vệ sinh môi trường không thể nào biết được gia đình đó có người nhiễm. Mặc dù đã có chế tài xử phạt các trường hợp này nhưng trên thực tế, rất khó quản lý, phát hiện và nhắc nhở việc này”, bà Phạm Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội nước sạch và môi trường Việt Nam, nói.

Tuy nhiên, nếu coi công đoạn này có thể dễ áp dụng thì ở khâu tiếp theo, người ta lại phải đối mặt với thách thức khác. “Số ca F0 tăng quá nhanh dẫn đến số lượng điều trị tại nhà quá nhiều, hầu hết lại ở ngõ ngách, chung cư cao tầng, xe rác rất khó đến tận nơi để thu gom. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hai đơn vị thu gom chính là Công ty Cổ phần Môi trường đô thị huyện Bắc Sơn và Công ty Cổ phần Môi trường đô thị công nghiệp Hà Nội (Urenco 13). Lực lượng không đủ nên rất khó đảm bảo thu gom đến từng nhà”, đại diện Sở TN&MT Hà Nội đưa ra ý kiến trong hội thảo.

Đây cũng là vấn đề khiến các công ty môi trường đang đau đầu: “Do rất nhiều nhân viên của Urenco mắc COVID-19 nên chúng tôi vô cùng thiếu hụt nhân công. Trong khi đó, F0 phát sinh ngày càng nhiều dẫn đến nhiều điểm thu, nhân công và phương tiện của chúng tôi cũng phải bố trí nhiều thêm nên rất tốn kém”, ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Urenco 2 chi nhánh Hoàn Kiếm cho biết về năng lực hiện nay.

Ngay ở Hà Nội đã như vậy, các địa phương khác ở xa trung tâm lại càng khó khăn hơn – không chỉ thiếu nguồn lực thu gom mà còn không có điểm xử lý. “Ở Quảng Ninh cũng rất nhiều ngõ ngách, nên việc thu gom vô cùng khó khăn, một điều nữa là ở Quảng Ninh hiện nay chưa có một cơ sở được cấp phép để xử lý chất thải y tế nguy hại. Do vậy chúng tôi phải thu gom rồi thuê ba đơn vị tỉnh ngoài để vận chuyển và xử lý”, đại diện Sở TN&MT Quảng Ninh phản ánh.

Cần nguồn lực đầu tư lâu dài

Sự lúng túng của các địa phương trong xử lý rác thải của F0 là điều tất yếu, bởi lẽ ngoài sự bùng phát bất ngờ của đại dịch, họ còn phải đối diện với khó khăn về nguồn lực, phân loại rác, đơn giá xử lý chất thải nguy hại,… Vậy tại sao, những rào cản này vẫn chưa thể gỡ bỏ? Một trong những nguyên nhân chính là “việc đầu tư cho quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại, vẫn chưa được quan tâm đúng mức”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền (Khoa Kỹ thuật môi trường, trường Đại học Xây dựng) nhận xét. Thậm chí ở các bệnh viện – nơi phát sinh và chuyên xử lý chất thải nguy hại, “quản lý chất thải không phải là một hoạt động trọng tâm của các bệnh viện, lượng kinh phí dành cho hoạt động này chỉ chiếm khoảng 10-15%”, chị trả lời trên KH&PT năm 2021.

Trong lúc cả hệ thống đang kiệt sức vì đại dịch, các địa phương có thể làm gì để thoát khỏi tình trạng này? “Chúng ta phải tìm những phương thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể. Chẳng hạn như ở các ngõ nhỏ, xe rác không vào được, có thể dùng xe gắn máy, có các thùng gắn chặt phía sau để thu gom, vận chuyển chất thải y tế”, đại diện Bộ TN&MT nhận xét.

Tương tự với khâu phân loại rác, hiện nay nhiều địa phương đã huy động nguồn lực cộng đồng để tổ chức các tổ COVID-19 cộng đồng, các nhóm liên gia tự quản nhằm kiểm soát việc khai báo và phân loại rác của F0. “Khi tôi tham gia vào các nhóm này, phường xã sẽ phát sổ ghi nhật ký, phân chia người này quản lý từ hộ này đến hộ kia, trong ngày hôm nay diễn biến khu dân cư có vấn đề gì không, nếu có F0 sẽ lập tức thông báo. Đồng thời người trực tiếp phụ trách vấn đề này phải theo dõi hằng ngày, thường xuyên động viên nhắc nhở, yêu cầu thực hiện phân loại, khử khuẩn rác trước khi đưa ra ngoài. Nếu người dân có thắc mắc hoặc phản ánh gì, chúng tôi sẽ kịp thời giải đáp hoặc thông báo cho cơ sở y tế và chính quyền”, bà Phạm Thị Xuân nói.

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, “chúng ta phải ưu tiên đầu tư nhân lực, phải có một đội ngũ chuyên gia về môi trường, cũng như nguồn kinh phí để nghiên cứu các quy trình, giải pháp thu gom, xử lý chất thải. Đồng thời phải tuyên truyền hoặc tìm cách để các hộ dân phân loại rác thải ngay từ đầu,… còn rất nhiều việc phải làm để xử lý triệt để vấn đề này”, PGS.TS. Thanh Huyền nói.