WWF bắt đầu đàm phán cho hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa

WWF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thiết lập một hiệp ước toàn cầu đầy tham vọng về ô nhiễm nhựa vào năm 2024.

Tại kỳ họp của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA-5.2), các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) đã nhất trí xây dựng một hiệp ước ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, đánh dấu một trong những hành động môi trường tham vọng nhất của thế giới kể từ Nghị định thư Montreal nhấn mạnh vào loại bỏ sản xuất các chất làm suy giảm tầng ozon.

Việc thông qua Nghị quyết của LHQ định hướng cho quá trình xây dựng một hiệp ước mạnh mẽ, bao gồm các quy tắc và nghĩa vụ toàn cầu xuyên suốt vòng đời của nhựa. Điều này sẽ buộc các quốc gia, doanh nghiệp và xã hội phải có trách nhiệm trong việc loại bỏ ô nhiễm nhựa khỏi môi trường.

WWF hoan nghênh quyết định này và kêu gọi các Chính phủ trên thế giới nắm bắt cơ hội này để loại bỏ ô nhiễm nhựa, đồng thời hành động mạnh mẽ và dứt khoát trong việc xây dựng nội dung đầy đủ của hiệp ước vào năm 2024. WWF cam kết hỗ trợ Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ của Hội đồng Môi trường LHQ trong việc hoàn thiện các chi tiết quan trọng của hiệp ước lịch sử này trong hai năm tới.

“Chúng ta đang đứng trước ngã rẽ của lịch sử, khi những quyết định đầy tham vọng được đưa ra ngày hôm nay có thể ngăn chặn ô nhiễm nhựa, vấn đề đang góp phần huỷ hoại hệ sinh thái của hành tinh chúng ta. Bằng cách đồng lòng xây dựng một hiệp ước toàn cầu ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa, các nhà lãnh đạo thế giới của chúng ta đang mở đường cho một tương lai sạch hơn và an toàn hơn cho con người và hành tinh”, ông Marco Lambertini, Tổng giám đốc WWF Quốc tế cho biết.

“Nhưng chúng ta còn một chặng đường dài phía trước – các nhà lãnh đạo thế giới hiện phải thể hiện quyết tâm hơn nữa trong việc phát triển và thực hiện một hiệp ước giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa hiện nay, và tạo điều kiện cho việc chuyển đổi hiệu quả sang nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa.

Điều này đòi hỏi một hiệp ước với các tiêu chuẩn và mục tiêu toàn cầu rõ ràng và mạnh mẽ, tạo ra một sân chơi bình đẳng, khuyến khích các quốc gia tuân thủ các quy tắc và quy định chung, đồng thời có các biện pháp xử phạt các sản phẩm và thực hành có hại”.

Hơn 2,2 triệu công dân trên khắp thế giới đã ký vào bản kiến nghị của WWF kêu gọi điều này, trong khi hơn 120 công ty toàn cầu và hơn 1.000 tổ chức xã hội dân sự cũng ủng hộ lời kêu gọi cho một hiệp ước.

WWF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, dựa trên sự ủng hộ toàn cầu mạnh mẽ này và thiết lập một hiệp ước toàn cầu đầy tham vọng về ô nhiễm nhựa vào năm 2024, theo đó: ràng buộc về mặt pháp lý với các quy tắc và luật lệ chung để có thể nhân rộng các giải pháp kinh tế tuần hoàn trên toàn thế giới; đưa ra các quy định toàn cầu trong toàn bộ vòng đời của nhựa, bao gồm các lệnh cấm toàn cầu đối với các sản phẩm và hành động có hại, các tiêu chuẩn thiết kế sản phẩm và các biện pháp để giảm sản xuất và tiêu thụ nhựa nguyên sinh và thừa nhận vai trò quan trọng của khối phi chính thức trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và cho phép khối ngành này tham gia vào các cuộc đàm phán.