Những cá thể gấu được cứu hộ từ Bình Dương về Ninh Bình giờ ra sao?

Tính đến ngày 13.2, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (Tổ chức FOUR PAWS Việt) đã phối hợp với các đơn vị liên quan cứu hộ 27 cá thể gấu bị nuôi nhốt để lấy mật tại các hộ gia đình và các trang trại tại Bình Dương về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

Các nhân viên của Tổ chức FOUR PAWS Việt cứu hộ gấu bị nuôi nhốt tại các trang trại ở Bình Dương về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Ảnh: NT

Theo Tổ chức FOUR PAWS Việt, từ năm 2019 đến nay, đã thực hiện 4 đọt cứu hộ với 27 cá thể gấu bị nuôi nhốt để lấy mật tại các hộ gia đình và các trang trại ở Bình Dương về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình để chăm sóc nuôi dưỡng trong môi trường bán hoang dã.

Kiểm tra sức khỏe cho các cá thể gấu trước khi đưa về Cơ sở bảo tồn. Ảnh: NT

Mới đây nhất là vào ngày 10 và 11.2.2022 – Tổ chức FOUR PAWS Việt phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương tổ chức bàn giao và tiếp nhận 9 cá thể gấu ngựa từ 3 trại nuôi nhốt gấu tại tỉnh Bình Dương về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

Sau khi về đến cơ sở, 9 cá thể gấu đã lập tức được chuyển vào khu vực cách ly và sẽ ở trong khu vực này trong 3 tuần để đảm bảo an toàn dịch tễ cho các cá thể đang sinh sống tại cơ sở. Đồng thời, các cá thể gấu dần làm quen với chế độ mới. Trong thời gian này, các cá thể sẽ được kiểm tra sức khỏe và chăm sóc thú y, xây dựng niềm tin với nhân viên chăm sóc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với loài và bắt đầu các bài tập đầu tiên giúp phục hồi bản năng của loài, từ đó chuẩn bị cho cuộc sống mới tại khu bán hoang dã.

Hầu hết các cá thể gấu được giải cứu về đây đều trong tình trạng bị nuôi nhốt lâu ngày và bị hút mật nên sức khỏe bị tổn thương nhiều. Ảnh: NT

Các cá thể gấu được gọi với những cái tên rất đáng yêu như: Danh, Thi, Tín, Khôi, Tài, Tèo, Núi, An… Trong 9 cá thể, có 5 cá thể có tình trạng thể chất không tốt với nhiều bệnh lý phổ biến của gấu bị nuôi nhốt lâu ngày trong điều kiện xấu. Cá thể Danh và Thi bị thừa cân, trong khi cá thể Núi, Vui và An lại suy dinh dưỡng và suy nhược. Các cá thể này hiện đang được làm quen với chế độ dinh dưỡng được thiết kế riêng biệt, sao cho trong những tháng tới, chúng có thể đạt được cân nặng phù hợp.

Trao đổi với PV Lao Động, Chuyên gia Emily Lloyd, quản lý động vật, điều phối đợt cứu hộ trên cho biết: Một số cá thể từ trên đường đi đã được kê thuốc dạ dày và giảm đau sau khi bác sĩ thú y của đoàn cứu hộ phát hiện ra tình trạng viêm khớp và vấn đề về tiêu hóa sau khi kiểm tra sức khỏe tại buổi cứu hộ.

Gấu được chăm sóc với chế độ ăn phong phú 3 lần 1 ngày. Đồ làm giàu hành vi và làm giàu vận động giúp gấu phục hồi bản năng tự nhiên. Ảnh: NT

Trong khu vực cách ly, các cá thể được cho ăn 3 lần/ngày, luôn có nước sạch để uống và được cung cấp lá cây, rơm rạ lót ổ và nhiều đồ làm giàu môi trường. Các cán bộ chăm sóc trong khu cách ly là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc gấu, và được phân công chỉ chăm sóc riêng cho những cá thể này để đảm bảo an toàn dịch tễ và giúp gấu sớm đặt niềm tin vào người chăm sóc, từ đó yên tâm hơn về tinh thần. Các cá thể được quan sát và theo dõi sát sao một cách trực tiếp lẫn gián tiếp qua camera 24/24h.

Nhân viên tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình chuẩn bị đồ ăn hàng ngày cho các cá thể gấu. Ảnh: NT

Bà Ngô Thị Mai Hương – Giám đốc Tổ chức FOUR PAWS Việt cho biết: Tính đến thời điểm này, trong số 27 cá thể gấu được cứu hộ từ Bình Dương về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã có 5 cá thể gấu không may mắn qua đời. Nguyên nhân là do các cá thể gấu này bị mắc phải rất nhiều bệnh mãn tính về thận, túi mật, gan, tim và bệnh thoái hóa khớp. Đây là hệ lụy của việc gấu bị nuôi nhốt và lấy mật nhiều lần trong quá khứ với điều kiện sống và sinh hoạt nghèo nàn.

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình có tổng diện tích toàn dự án 10ha, được khánh thành vào năm 2019 tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, Ninh Bình. Hiện Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đang nuôi dưỡng và chăm sóc cho 48 cá thể gấu.