Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh

Rất nhiều nghiên cứu mới đây đưa ra các cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu đang gây tổn hại đến sức khỏe của phụ nữ mang thai, thai nhi và trẻ sơ sinh trên khắp thế giới.

Ảnh: Jenny Evans / Getty Images

Các nghiên cứu này được công bố trong một số đặc biệt của Tạp chí y khoa “Dịch tễ học nhi khoa và chu sinh”, mở rộng trên phạm vi toàn cầu từ Mỹ đến Đan Mạch, Israel và Australia.

Theo các kết quả nghiên cứu, sự gia tăng nhiệt độ có liên quan đến việc tăng cân nhanh ở trẻ sơ sinh, làm tăng nguy cơ béo phì sau này. Nhiệt độ cao hơn cũng có liên quan đến sinh non, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe suốt đời và làm tăng tỷ lệ nhập viện của trẻ nhỏ. Tiếp xúc với khói từ các đám cháy rừng làm tăng gấp đôi nguy cơ bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, đồng thời giảm khả năng sinh sản có liên quan đến ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch, ngay cả ở mức độ thấp.

Các nhà khoa học ở Israel phân tích 200.000 ca sinh và phát hiện ra rằng những đứa trẻ tiếp xúc với 20% nhiệt độ cao nhất vào ban đêm có nguy cơ tăng cân nhanh cao hơn 5%.

Một nghiên cứu ở California (Mỹ) cho thấy, việc người mẹ tiếp xúc với cháy rừng trong tháng 12/2021 khi thụ thai làm tăng gấp đôi nguy cơ hở thành bụng bẩm sinh – dị tật bẩm sinh của thành bụng khiến ruột và một số cơ quan khác của trẻ bị thoát ra ngoài qua một cái lỗ bên cạnh rốn. Nguy cơ dị tật bẩm sinh tăng 28% ở những bà mẹ sống gần các đám cháy rừng trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ở 5% những nơi nóng nhất trong bang New South Wales có nguy cơ sinh non cao hơn 16%. Nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra tình huống tương tự ở thành phố cận nhiệt đới ấm hơn Brisbane, nhưng đây là lần đầu tiên vấn đề này xảy ra ở vùng ôn đới hơn của Australia.

Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi Lara Cushing tại Đại học California tại Los Angeles (Mỹ) cho biết: “Các cảnh báo về sức khỏe cộng đồng trong đợt nắng nóng nên hướng đến những người đang mang thai, đặc biệt là khi chúng tôi phát hiện ra hậu quả của sinh non nghiêm trọng hơn”. Nhiều người vẫn chưa biết nhiệt gây ra sinh non như thế nào nhưng có thể là do sự giải phóng các hormone gây chuyển dạ.

Một nghiên cứu mới ở Đan Mạch đã đánh giá tác động của không khí ô nhiễm đối với 10.000 cặp vợ chồng đang cố gắng thụ thai tự nhiên. Theo đó, sự gia tăng ô nhiễm hạt trong chu kỳ kinh nguyệt làm giảm khoảng 8% khả năng thụ thai. Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cũng cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng đáng kể nguy cơ vô sinh, nhưng trong điều kiện mức độ ô nhiễm trung bình cao hơn 5 lần so với nghiên cứu của Đan Mạch.

Theo các chuyên gia, một khía cạnh quan trọng của các nghiên cứu là chỉ ra rằng những người dễ bị tổn thương như người da màu hoặc những người có thu nhập thấp không có điều hòa không khí, sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn thường phải chịu những tác động tồi tệ nhất của khủng hoảng khí hậu.